MTG - Mấy ngày qua, dư luận lại một phen xôn xao lo ngại về một “dự án nghìn tỉ” nữa: dự án “đuổi chim ở sân bay". Nhiều người nông dân chân chất mộc mạc cứ thắc mắc: “Có đuổi chim thì xài bù nhìn, chi mà phải tốn bạc nghìn tỉ?”…
Cũng dễ thông cảm cho những nông dân chưa từng một lần trong đời bước đến sân bay. Họ đâu có biết việc đuổi chim trong sân bay là phải cần đến một hệ thống tân tiến hiện đại, rất mắc tiền. Nghe đâu đề án xã hội hóa của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc lắp đặt hệ thống phát hiện chim chóc và vật thể lạ các kiểu lên đến 1.162 tỉ đồng.
Và họ (nông dân) cũng bị ám ảnh bởi các “đại công ty” có những cái tên viết tắt bằng các chữ cái như A, B, C… Mới đây, từ một vụ đi xe tư nhân biển số xanh, người ta đã “phát hiện” ra ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khi rời “nhiệm sở” cũ là Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã để lại số tiền lỗ lã lên đến hơn 3.000 tỉ.
Những con số nghìn tỉ với cả dãy chữ số 0 dài ngoẵng đến 12 số kéo dài phía sau dường như nhẹ tênh đối với những kẻ hại dân hại nước. Có lẽ vì thế mà thỉnh thoảng lại xuất hiện những “đại án nghìn tỉ” nghe không khỏi đau lòng, mà một trong số đó đang được tòa án xét xử, vụ án Phạm Công Danh và đồng bọn gây thất thoát đến cả 9.000 tỉ.
Đất nước đã giàu chưa mà có quan chức, cơ quan cứ mở miệng ra là nói đến chuyện nghìn tỉ? Xin thưa rằng "chưa" và nợ công của Việt Nam đã ngấp nghé đến mức giới hạn. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm nay mức nợ công của Việt Nam sẽ tăng đến mức 63,8%, và tính bình quân, mỗi em bé vừa chào đời cũng sẽ phải gánh một mức nợ như người lớn, lên đến 29 triệu đồng.
Mới đây, dư luận cũng xôn xao về dự án do Bộ Giao thông vận tải đề xuất làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trị giá 7.000 tỉ đồng từ vốn vay của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề về tính hiệu quả của dự án và “tính nhạy cảm” trong quan hệ Việt - Trung trong thời điểm hiện nay đối với dự án này.
Ấy vậy mà khi nhậm chức vào tháng 4 năm nay, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân, đầu tư có trọng tâm, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá”.
Đành rằng các dự án như dự án “đuổi chim” hay dự án làm đường cao tốc nói trên đều là các dự án BOT, thế nhưng với “bàn tay vô hình” của nền kinh tế thị trường thì việc mọi người dân đều phải trả giá khi hiệu quả kinh tế của chúng không cao là điều không cần bàn cãi.
Việc “xã hội hóa” vốn đầu tư nhưng có sự bảo lãnh của chính phủ “sẽ tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công”, theo như nhận xét của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Áp lực nợ công đến từ nhiều nguyên do, nhưng quan trọng là “phải kể đến nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong xây dựng vẫn còn, có vụ việc rất nghiêm trọng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vừa rồi trong tuyên thệ nhậm chức của mình tại Quốc hội có chỉ rõ: “Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, xử lý nợ xấu chưa thực chất, dư địa chính sách và nguồn lực cho giai đoạn tới rất hạn hẹp”. Ông tuyên bố: “Chúng ta cần có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của người dân”.
Rất mong tân thủ tướng sớm thực hiện lời tuyên thệ của mình để người dân thoát khỏi những “nỗi ám ảnh nghỉn tỉ” từ các dự án, vụ án làm thất thoát quá nhiều tiền của của nhân dân…