Trẻ - Bịnh Viện Việt Ðức, một bịnh viện “hàng đầu của Việt Nam” đã công bố một bước tiến y khoa vượt bực với ca phẫu thuật kỹ thuật mới rất thành công, chưa hề được giới chuyên môn trên thế giới thực hiện từ trước nay. Dẫu vậy, một số nguồn tin từ báo chí và công luận đã cho rằng các bác sĩ tại bịnh viện này đã mổ lộn chân bịnh nhân Trần Văn Thảo, người bị đau bên chân trái nhưng đã bị mổ chân phải, và gây nên xôn xao dư luận trong đôi tuần qua. Ga tui lại vác bút tìm đến Thứ Trưởng Bộ Y Tế kiêm Giám Ðốc Bịnh Viện Việt Ðức là TS Nguyễn Viết Lùi để tìm hiểu sự việc, xin mời độc giả cùng theo dõi cuộc phỏng vấn.
Ga Làng (GL): – Thưa Tiến Sĩ, có thể giải thích việc một bịnh nhân cần mổ chân trái nhưng bị mổ nhầm sang chân phải theo như dư luận có thể được giải thích như thế nào?
Nguyễn Viết Lùi (NVL): – Thật ra đây không phải là mổ nhầm hay lộn như báo chí đưa tin mà nó là một thủ thuật y khoa tân tiến và hiệu quả, một liệu pháp tâm lý để giúp bịnh nhân có thể hồi phục nhanh hơn.
GL: – Là như thế nào thưa ông?
NVL: – Khi một bịnh nhân bị đau một chân, ví dụ như chân trái trong trường hợp của bịnh nhân Trần Văn Thảo này thì việc mổ trực tiếp vào chân trái sẽ gây tổn thương các cơ và hệ thần kinh của chân đó, dẫn đến kết quả là sau cuộc giải phẫu, thời gian hồi phục của bịnh nhân sẽ kéo dài hơn. Nếu như chúng tôi mổ cái chân không đau, tức cái chân khỏe mạnh thì cái chân đau không bị giải phẫu sẽ không đau thêm.
GL: – Nhưng thưa ông như vậy cái chân phải sẽ đau và chân trái kia của bịnh nhân vẫn không hết đau?
NVL: – Khi hai chân cùng đau thì người bịnh sẽ không biết hay không còn cảm giác đau ở chân nào vì hệ thần kinh của của bịnh nhân sẽ phát ra những tín hiệu thay thế, giúp bịnh nhân không còn thời gian hay suy nghĩ đến cơn đau. Ðây là một phẫu thuật tân tiến chưa hề có trên thế giới, gọi là kỹ thuật “phẫu thuật wifi”, mổ và phát tín hiệu wifi không dây từ chân hay tay này sang chân hay tay khác để chữa trị.
GL: – Ðiều giải thích của tiến sĩ có hơi khó hiểu và rốt lại thì cái chân đau bên trái cần phẫu thuật thì chẳng được chữa trị gì thưa ông?
NVL: – Khi đi sâu vào lãnh vực chuyên môn tất nhiên phải khó hiểu, tuy nhiên tôi có giải thích lại để dễ hiểu hơn là, khi anh nối kết máy điện toán hay điện thoại vào máy phát tín hiệu wifi thì anh vào được internet, đúng chưa. Phẫu thuật wifi cũng vậy, anh mổ chân bên này nhưng là chữa chân bên kia, đâu cần phải mổ chân cần mổ. Anh hiểu chưa nào?
GL (ấm ớ) : – Vâng, à, à ! kỹ thuật mới quá, tôi sẽ tìm hiểu thêm … Tuy nhiên nếu theo lời tiến sĩ như vậy thì tại sao bịnh viện lại tiếp tục mổ cả chân bên kia sau khi chân không đau bị phát hiện mổ nhầm. À, xin lỗi, được mổ theo… phương pháp mới như lời của ông.
NVT: – Người nhà của bịnh nhân vì thiếu hiểu biết nên cho rằng các bác sĩ chúng tôi đã mổ nhầm do đó để trấn an họ, chúng tôi đã tiếp tục mổ sang chân đau ban đầu của bịnh nhân để anh ta và gia đình có thể yên tâm. Ðó là lý do báo chí đưa tin là chúng tôi đã mổ lộn.
GL: – Nhưng những thủ thuật mổ wifi sang chân khác như vậy tưởng cũng nên giải thích và cần sự đồng ý trước của bịnh nhân, thưa tiến sĩ.
NVL: – Bịnh nhân chỉ là người bịnh thông thường không có kiến thức y khoa nên chúng tôi phải tự làm theo kỹ thuật và kinh nghiệm chuyên môn tốt nhất của chúng tôi.
GL: – Nhưng nếu bịnh nhân chỉ muốn được chữa trị đúng như các phương pháp y khoa thông thường thì như thế nào thưa tiến sĩ?
NVL: – Nếu họ không muốn được chữa trị theo các thủ thuật y khoa tân tiến nhất của nước nhà thì tôi đề nghị từ nay khi vào phòng mổ, bịnh nhân cần chuẩn bị tư thế nằm hợp lý để đưa đúng cái chân hay tay hoặc bất cứ chỗ nào cần mổ ra ngoài để y tá và các bác sĩ biết là cần mổ ở nơi đâu. Ví dụ cần mổ chân trái thì cố gắng đưa chân trái ra ngoài chứ nếu lên bàn mổ mà lại đưa chân phải ra ngoài thì đó là trách nhiệm của bịnh nhân. Ðó là lý do chúng tôi đã tính tiền mổ cả hai chân trong trường hợp này để lần tới những bịnh nhân khác phải hiểu trách nhiệm của mình hơn.
GL: – Cảm ơn tiến sĩ đã giải thích thêm về vấn đề thời sự này để người dân hiểu hơn về trách nhiệm của mình. Một số người dân hiện nay đã đánh dấu, đi xăm chữ các bộ phận cơ thể như chân trái, chân phải, mông phải, mông trái… để có thể tạo sự dễ dàng hơn cho các bác sĩ ta khi vào phòng mổ. Thêm vào đó thì với kỹ thuật tân tiến của y khoa nước nhà như hiện nay đã giúp cho vấn đề giữ gìn sức khỏe trong dân chúng tăng cao rất nhiều sau những vụ này. Lý do là họ còn dè dặt với các phương pháp mới như kiểu mổ wifi trên nên đã ráng giữ sức khỏe để tránh phải vào bịnh viện.
GL