TTO - Thực trạng sửa tuổi và nạn “chạy tuổi” cán bộ, công chức đã diễn ra với không ít câu chuyện bi hài. Vì thế hết căn cứ để sửa tuổi, đồng nghĩa với việc chặn đường “chạy tuổi”.
Đọc kết luận của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của cán bộ đảng viên, lại nhớ tới cựu đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông, người rất quan tâm chủ đề “chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi” khi chất vấn đến hai “đời” bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Gọi điện cho ông Cuông để nghe ông bình luận về quyết định của Ban Bí thư, ông nói ngắn gọn là “rất hoan nghênh”.
Như vậy cùng với việc hoàn thiện các quy định của Nhà nước về độ tuổi cán bộ, công chức, Đảng ban hành quy định về xác định tuổi sẽ chấm dứt nạn chạy tuổi, khiến những ai có ý định “chạy” cũng hết đường “chạy”, tạo cơ sở cho việc công khai, minh bạch về tuổi tác - một điều kiện quan trọng để được
thăng chức, giữ chức.
Sau kết luận của Ban Bí thư, có lẽ trong dư luận cũng sẽ chấm dứt những câu chuyện tiếu lâm về tuổi tác âm ỉ hoặc ồn ào bấy lâu nay: được kéo dài tuổi hưu vì “nhìn mặt còn trẻ”; sinh con từ thuở 13; nhập ngũ hoặc đỗ đại học từ 14-15 tuổi; phải đeo răng giả khi chưa đến 60; hoãn mừng thọ vì sửa tuổi...
Trước đây, trong những thời kỳ cách mạng gian nguy, khi còn thiếu quy định về độ tuổi cán bộ, công chức, không ít các nhà lãnh đạo đã lựa chọn dâng hiến trọn đời mình, làm việc đến hơi thở cuối cùng để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Nhưng trong thời bình, kinh tế thị trường phát triển, nhiều người coi chức vụ gắn liền với bổng lộc.
Khi có các quy định về độ tuổi cán bộ, công chức thì nảy sinh thực trạng sửa tuổi và nạn “chạy tuổi” đã diễn ra với không ít câu chuyện bi hài.
Người “chạy” tất nhiên phải là những đảng viên có chức có quyền, lưu luyến “cái ghế” gắn với lợi danh; bớt đi vài tuổi, thậm chí vài tháng tuổi, có thể thêm được một nhiệm kỳ tại vị bởi sẽ được quy hoạch vào cấp ủy, thường vụ, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND...
Trong công tác cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tâm sự với cử tri Hà Nội rằng “khó nhất là ai cũng nghĩ mình giỏi hơn người khác và ai cũng nghĩ mình thiệt hơn người khác” và trước khi có quy định về tuổi tác, có lẽ còn thêm một thực trạng là ai cũng nghĩ mình còn sức khỏe hơn người.
Văn bản của Ban Bí thư được Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính ký nêu rõ thực trạng: Những năm gần đây, việc sửa lại tuổi của một số cán bộ, đảng viên, nhất là vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu... đã gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác cán bộ.
Đồng thời, việc sửa lại tuổi tạo ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ban Bí thư kết luận: kể từ ngày 18-8-2016 không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên, mà thống nhất xác định tuổi theo hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.
Như vậy đã rõ: hết căn cứ để sửa tuổi, đồng nghĩa với việc chặn đường “chạy tuổi”.