Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Lý tưởng hay hành động

Đức Hoàng

VNExp - Tôi có một đôi dép lốp, mua của nghệ nhân Phạm Xuân Quang - người làm đôi dép đang trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trên đôi dép có khắc bản đồ Việt Nam và hai quần đảo.

Dép không rẻ, vì bây giờ nghệ nhân Quang bán như một thứ đồ thủ công sắp không còn ai chế tác nữa. Tôi mua vì tính tuềnh toàng, màu đen dễ đi, mà kiểu dáng của đôi dép cũng thanh nhã. Thế rồi đến khi dùng nó đi khắp nơi, mới biết rằng đôi dép lốp có một ý nghĩa biểu tượng.

Ở bản Đông, Sê Pôn, Nam Lào, một người già bỗng nhiên chỉ vào đôi dép của tôi và reo lên: “Bộ đội”. Ông không nói được tiếng Việt, chỉ biết hai tiếng ấy. Mảnh đất này, dù trên nước bạn, là một phần lịch sử không thể tách rời của chúng ta: Sê Pôn là một trong những mảnh đất bị ném bom nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam, trên các bản đồ tác chiến cũ của Mỹ còn được đánh dấu bằng bút dạ đỏ, là nơi diễn ra trận Đường 9 Nam Lào lịch sử. Người đàn ông ấy đã chứng kiến tất cả.

Ở Svay Rieng, Campuchia, một người phụ nữ lớn tuổi khác, bán hàng rong trên vỉa hè đối diện khách sạn của tôi, cũng lại thích thú chỉ vào đôi dép. “Hà Nội” - bà thốt lên. Người phụ nữ cũng không biết nói tiếng Việt. Hai tiếng ấy và hình ảnh đôi dép tôi đi bằng cách nào đó đã được gieo vào đầu bà từ nửa thế kỷ trước. Svay Rieng cũng là nơi những trái bom B52 đầu tiên rơi xuống trên đất Campuchia. 

Những người nông dân ấy mang ý niệm về “cách mạng” rất đơn giản, chỉ là một đôi dép. Một lão nông Campuchia bảo tôi, đi theo bộ đội chẳng phải vì lợi ích gì, chỉ vì chịu bất công thì “ăn bát cơm cũng không ngon, nước mắt nước mũi cứ chảy ra”. Ông không biết chữ, chỉ biết trồng sắn. Vì thấy ăn cơm không ngon, nên cầm súng theo bộ đội Việt Nam.

Lịch sử của chúng ta đã ghi nhận không biết bao nhiêu con người như thế. Trên mặt báo Pháp thập kỷ 30 thế kỷ trước, nhiều ký giả “mẫu quốc” đã rất ngạc nhiên khi thấy những người nhà-quê đứng lên tấn công họ. Những "người nhà quê" đâu có nhận thức chính trị gì?

Đất nước cũng đã được lập nên và giữ vững nhờ những tình cảm đơn giản. Bởi những người nông dân chỉ nhận biết cách mạng qua đôi dép lốp của những người đến với họ, chứ không bằng luận cương, bằng chủ thuyết.

Đến hôm nay, 71 năm sau ngày lập nước, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn rất nhiều, tôi vẫn gặp những người quyết định hành động bằng động cơ giản đơn về ý nghĩa cuộc sống, chứ không phải vì một chủ thuyết chính trị nào.

Một người đàn ông đã dành hơn một thập kỷ qua để đem sách về nông thôn Việt Nam. Anh đang làm chuyên viên, có tiền đồ, vợ con đề huề, thì quyết định bỏ tất cả và đi lang thang, xông vào phòng giáo dục các huyện nói như một “người thần kinh” (theo thú nhận của chính lãnh đạo huyện sau này), rằng phải xây dựng thư viện cho trẻ em. Tuần này, anh sang Pháp nhận một giải thưởng cao quý của UNESCO, vì đã mang sách đến cho hàng chục nghìn em nhỏ.

Có hai người trẻ khác, bỏ nhà bỏ cửa, cứ lang bạt trên rừng núi Lạng Sơn để tìm cách khai thác các giống cây thuốc Nam. Họ sợ bà con người Dao sẽ phá rừng, đào cây thuốc bán cho Trung Quốc hết, mất vốn quý của dân tộc.

Có một vị hàm thứ trưởng bỏ ghế bây giờ đi quyên góp tiền để mong bữa cơm của các cháu học sinh miền núi có thêm miếng thịt. Có một cậu trí thức mới ngoài 20 tuổi xin lên miền núi làm cán bộ, nhà ở quê có điều kiện, bố mẹ mua xe cho đi làm. Nhưng cậu sợ đồng bào suy nghĩ, lấy xe máy cọc cạch đi leo đồi để học tiếng đồng bào.

Thời đại bây giờ, với các luồng tri thức mới, với Internet và mạng xã hội, bàn về “chủ thuyết” thì chín người mười ý. Ở khắp nơi tôi vẫn thấy bạn bè mình tranh luận về các con đường vĩ mô. Tôi không dám lạm bàn về những cuộc luận chiến đầy căng thẳng giữa các trí thức thành thị này. Nhưng vẫn còn có những người quyết định hành động bằng những động cơ giản đơn.

Vẫn còn rất nhiều người, mà động cơ của họ không phải là một chủ thuyết chính trị nào, không phải là một tư tưởng lớn nào. Họ làm nhiều điều phi lý bằng một động lực không cần giải thích - như những người nông dân tôi đã gặp đâu đó dọc Trường Sơn Tây.

Ngày 2/9 năm nay, tôi rất muốn tin rằng những con người như thế vẫn còn nhiều trong xã hội. Những người không trình bày nhiều về lý tưởng, chỉ âm thầm bù đắp cho đất nước mình.

Tôi rất muốn hỏi, rằng giữa  một cuộc tranh luận để chọn ra lý tưởng lớn, và một hành động vì ý tưởng nhỏ, thì bạn sẽ quyết định chọn điều gì?