Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

1 tỉ USD, 2 bộ trưởng, 3 nhiệm kỳ

ĐÀO TUẤN

LĐO - Bộ trưởng Bộ Y tế lại vừa đặt ra câu hỏi: Tại sao bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn, thực hiện không ít kỹ thuật tiên tiến nhưng người Việt Nam vẫn ra nước ngoài khám-chữa bệnh nhiều?

Và bà tự trả lời: Phải tiến đến xây dựng một môi trường bệnh viện không chỉ chăm chú về chuyên môn, đầu tư trang thiết bị hiện đại mà quên đi những cái tối thiểu như môi trường xanh-sạch-đẹp, thái độ phục vụ của cán bộ y tế…

Câu trả lời quá đúng!

Vào bệnh viện mà gặp lạnh te từ bộ mặt ông bảo vệ - như chính Bộ trưởng nói; rồi bác sĩ chỉ nhăm nhăm vòi tiền, rồi đau chân nọ mổ chân kia, rồi quạt trần rơi vào đầu, rồi nằm như cá hộp dưới gậm giường, hành lang, rồi giá thuốc “mài dao cả năm chém một lần”, rồi.... Nói không quá lời chỉ vì thiếu tiền, ít tiền, không có tiền người ta mới phải “như đi đày” như vậy.

Nhưng thật ra câu hỏi của Bộ trưởng Tiến hoàn toàn không mới. Con số 1 tỉ USD chảy máu cũng khôngmới. Và câu trả lời cũng vậy.

Năm 2010, tại diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Văn Bình đã từng chất vấn về chuyện này (con số thời điểm đó là 1 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh). Bộ trưởng Y tế khi ấy là ông Nguyễn Quốc Triệu đáp rằng tình trạng đã giảm. Bằng chứng, theo ông Triệu là “một đồng chí lãnh đạo cao cấp bị bệnh, nếu như trước đây thì sẽ sang một nước trong khu vực để chữa trị, nhưng đã ở lại Việt Nam điều trị”.

Tới năm 2014, sự “đã giảm” mang một con số mới: 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tốn chi phí lên đến hơn 2 tỉ USD - theo xác nhận của Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến.

Nguyên nhân - cũng tuyệt đối đúng: “Vào bệnh viện có đến 4.500 bệnh nhân thì không bệnh cũng phát bệnh”. Và biện pháp - không sai: Vẫn là giảm tải, xanh-sạch-đẹp, nâng cao thái độ phục vụ, bên cạnh những cái không thể thiếu là chất lượng khám-chữa bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Và đến hôm nay, một tình trạng, một con số, một nguyên nhân, một giải pháp lặp lại sau 7 năm với 2 đời và 3 nhiệm kỳ bộ trưởng.

Có lẽ, cần phải nhìn nhận chính xác việc “chảy máu ngoại tệ” hay tình trạng người Việt ra nước ngoài chữa bệnh là vì ngành y tế nhìn thấy căn bệnh của mình nhưng chữa không nổi!

Nếu hôm trước bộ trưởng vừa lên án những ông bảo vệ bảo kê mặt lạnh te, ngành y tế vừa khẩn cấp yêu cầu chấn chỉnh dịch vụ chở bệnh nhân mà lập tức hôm sau xảy ra chuyện cha con cán bộ phòng y tế huyện đập xe, đánh tài xế, không cho chở người chết ra khỏi trung tâm y tế thì dám... chết trong bệnh viện đã là can đảm chứ đừng nói vào đó mà yên tâm chữa bệnh?