Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Lời hứa của bộ trưởng y tế có giá trị?

LS. Lương Anh Tú - LS. Lê Phan Định

Người Đô Thị - Đến thăm nữ sinh Lê Thị Hà Vi (sinh năm 2000, học lớp 10, ở Đắk Lắk) bị cưa một chân do hoại tử bởi hành vi tắc trách của bác sĩ bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã hứa giúp Vi thi đậu vào ngành y và sắp xếp việc làm phù hợp sau khi em ra trường. Lời hứa ấy có giá trị pháp lý không?

Thông tin trên báo chí cho biết, trò chuyện với Lê Thị Hà Vi ngày 19.3 tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sau khi động viên đã trực tiếp hỏi nguyện vọng của Vi có muốn thi vào ngành y không: “Vào ngành y, con sẽ có thể chăm sóc sức khỏe cho ba mẹ, gia đình con và nhiều người khác nữa. Bác hứa sẽ giúp con thi đậu vào ngành y. Con có thể thi vào học ngành y của Đại học Tây Nguyên, gần nhà con. Bác biết con học giỏi, chỉ cần con có nghị lực, cố gắng học tốt, bác hứa sẽ ôn luyện cho con, chỉ cần học ôn một năm, con có thể thi đậu vào ngành y. Sau khi ra trường, con sẽ được sắp xếp việc làm phù hợp trong ngành”, theo Thanh Niên Online ngày 19.3.

Những lời hứa ngỡ như chân thành ấy của Bộ trưởng không ngờ lại tạo ra những tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Người cho rằng đó là ứng xử đúng mực, kịp thời của người đứng đầu ngành trước sự cố y khoa của cấp dưới. Người khác lại nghi ngờ động thái ấy nhằm xoa dịu tình hình, để gia đình Vi rút đơn tố cáo, ngành y tiếp tục che giấu sự vô cảm và tắc trách dưới lớp áo “xử lý nội bộ”. Người khác nữa không đồng tình bởi “trở thành bác sĩ” không phải là “sự bồi thường” cho một tai biến y khoa, huống gì từ ước mơ trở thành công an đến bác sĩ là khoảng cách quá xa về tư chất, khối thi, niềm đam mê...

Với một tư lệnh ngành từng có lúc bị dư luận đòi từ chức, những nhận xét trái chiều đó âu cũng bình thường. Mọi nghi ngờ sẽ tự khắc rã tan, không cần đôi co, nếu những gì Bộ trưởng hứa bà đều thực hiện được. Tuy nhiên, trong trường hợp của em Vi, lời hứa của Bộ trưởng Kim Tiến xem ra “lực bất tòng luật”!

Giá trị pháp lý của lời hứa

Việc một người tự mình đưa ra lời hứa sẽ làm cho ai đó một việc gì, có điều kiện hoặc không có điều kiện kèm theo, pháp luật hiện hành coi là “hành vi pháp lý đơn phương”. Lời hứa của bộ trưởng y tế với em Vi tuy sơ sài nhưng xét về nội dung đã có thể xem là một hành vi pháp lý đơn phương. Bà bộ trưởng tự nguyện đưa ra lời hứa trước công luận sẽ làm những việc sau cho Vi: giúp ôn luyện, giúp thi đậu trường y và giúp có việc làm trong ngành... Nếu gia đình em Vi đồng ý để bà Tiến thực hiện những việc ấy thì coi như một giao dịch đã hình thành.

Thế nhưng, không phải mọi hành vi pháp lý đơn phương khi đưa ra và được đồng ý đều đương nhiên có hiệu lực.

Luật định rằng, muốn hành vi pháp lý đơn phương trở thành giao dịch có giá trị pháp lý thì hành vi đó bắt buộc phải bảo đảm đủ các điều kiện như Điều 122 của Bộ luật Dân sự quy định: người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện; hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Soi chiếu vào đây dễ dàng nhận thấy độ vênh giữa lời hứa của bộ trưởng y tế với quy định pháp luật. Không luật pháp nào cho phép một cuộc thi cử được an bày kết quả trước khi chính thức diễn ra. Một cam kết theo kiểu “thi bao đậu” chỉ có thể thực hiện trong bóng tối, còn dưới ánh sáng pháp lý, đó là điều pháp luật cấm và đạo đức xã hội cũng lên án. Thời cuộc thi cử bao mùa đã minh chứng, không phải cứ học giỏi là đương nhiên thi đậu đại học. “Học tài” xưa nay luôn đi kèm “thi phận”. Đã từng có trường hợp thí sinh thi vào đại học Y Hà Nội 27 điểm nhưng vẫn trượt và khi có đề nghị cứu xét, bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không đồng ý cho thí sinh này đậu. Đó là ứng xử đúng mực của những người đứng đầu ngành để giữ vững sự minh bạch và công bằng thi cử.

Có thể Bộ trưởng Kim Tiến không có ý phá vỡ quy chế thi cử để em Vi đậu đại học như dư luận đặt ra. Có thể bà Tiến không có ẩn ý sẽ cậy nhờ nơi nọ chốn kia ưu tiên cho Vi hơn những thí sinh khác. Và cũng có thể ý của bà chỉ là tạo những điều kiện thuận lợi nhất để Vi yên tâm học hành, ôn thi, rồi từ đó có thể tự thân thi đậu đại học y khoa, nhưng cách nói của bà trước báo giới ngày 19.3 đã phản lại suy nghĩ đó.

Cần nhắc lại, trong cuộc gặp đại diện gia đình em Vi trước đó một ngày tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Kim Tiến cũng bày tỏ ý định miễn toàn bộ chi phí điều trị chi phí lắp chân giả cho Vi; đồng thời, nếu em Vi học trường y sẽ tạo điều kiện nhận Vi làm việc sau khi tốt nghiệp. Trước yêu cầu của gia đình em Vi: bộ Y tế cần có văn bản cam kết thực hiện đúng lời hứa, Bộ trưởng đã chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cam kết bằng văn bản để gia đình Vi yên tâm.

Rút đơn tố cáo có khép lại vụ việc?

Cũng tại những cuộc gặp trên, Bộ trưởng Kim Tiến luôn khẳng định sẽ chỉ đạo Sở Y tế Đắk Lắk xử lý nghiêm khắc, không bao che đối với những cá nhân, tập thể sai phạm. Nếu thật lòng mong muốn điều này, bà nên để việc phân định đúng sai, trách nhiệm bồi thường, xác định hành vi tội phạm... cho tòa án phán xử. Hãy tôn trọng sự thật khách quan của hội đồng chuyên môn bằng cách lập ra theo đúng thành phần như Điều 75 của Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định: các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác có liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh; luật gia hoặc luật sư. Lâu nay, sự tham gia của luật gia hoặc luật sư trong hội đồng chuyên môn rất mờ nhạt.

Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định trường hợp để xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây tai biến cho người bệnh (…) thì doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định pháp luật, cụ thể là theo Điều 609 Bộ luật Dân sự và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Ngoài việc bồi thường, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định pháp luật.

Trách nhiệm pháp lý khác có thể hiểu là xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo một trong ba tội danh: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng đươc hội đồng chuyên môn xác định đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến cho người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.

Cũng cần lưu ý, việc gia đình em Vi hay các bệnh nhân khác ký “giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức” không phải căn cứ để loại trừ trách nhiệm pháp lý cho bác sĩ điều trị. Ngay cả khi gia đình em Vi vì những áp lực nào đó, chấp thuận rút đơn tố cáo thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, các hành vi “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” không thuộc nhóm tội khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Do đó, nếu xét thấy có đủ căn cứ pháp luật, cơ quan điều tra vẫn có quyền khởi tố vụ án.

Khi ngành y chấp nhận đi đến cùng với luật pháp để nhận lấy một bản án công bằng của tòa án, sẽ giúp ngành y nhận diện kịp thời đâu là những “con sâu” làm rầu “nồi canh”, sẽ minh oan cho ngành y trước những dư luận không đúng, hơn là chọn cách xử lý nội bộ, để rồi những lương y chân thiện phải gánh chung tai tiếng với những người làm công việc chữa bệnh mà y đức đã lâm trọng bệnh!
***

Bác sĩ chủ quan, tắc trách và yếu kém chuyên môn

Ngày 6.3, sau khi tan học Lê Thị Hà Vi gặp tai nạn giao thông và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Tại đây, chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày nên các bác sĩ cho bó bột. Tuy nhiên Vi liên tục kêu đau nhưng các bác sĩ không đồng ý tháo bột kiểm tra. Đến ngày 10.3, khi phó giám đốc bệnh viện chỉ đạo cưa bột ra thì chân Vi đã sưng to và đầy những bọng nước lớn. Thấy không ổn, gia đình Vi xin chuyển viện nhưng không được đồng ý. Ngày 11.3, gia đình cương quyết chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại bệnh viện này, các bác sĩ chẩn đoán chân Vi đã bị hoại tử và chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ phải cắt bỏ chân ngay để giữ tính mạng cho bệnh nhân.

BS. Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin thừa nhận em Vi bị cưa chân “do các y, bác sĩ chủ quan, tắc trách và yếu kém về chuyên môn của kíp trực”, theo báo Tuổi Trẻ ngày 14.3.