VNN - “Chúng ta có thể làm được không, có cứu rừng được không? Nếu quyết tâm làm, ta làm được, và cần 100 năm”, nhà văn Nguyên Ngọc quả quyết.
Là một người có nhiều gắn bó với rừng Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc kể, “tôi có một người bạn thân, dân tộc Cơtu, tên là Priu Pram. Như một nhà hiền triết, sau khi nghỉ hưu, anh ấy về quê sống một mình, bám lấy rừng kiền kiền nổi tiếng ở quê anh, và từng ngày lội rừng, tích cóp từng hạt kiền kiền bé tý, được mấy bao đầy. Trước khi chết, anh giao mấy bao hạt kiền kiền đó cho tỉnh, như một lời trăng trối với trách nhiệm giữ rừng.
Nhớ lại hôm tôi đến thăm, anh Priu Pram đã cho tôi xem mấy hạt kiền kiền ấy. Đó là loại cây cao lớn, vạm vỡ, mấy người ôm cũng không giáp được vòng tay. Nhưng hạt của nó thì bé tý, chỉ như hạt vừng.
Bây giờ, rừng kiền kiền từng lừng danh ở quê hương anh Priu Pram đã bị quét sạch bong. Hỏi lại, mấy bao hạt giống đã được anh Priu Pram gom góp và gửi lại như một di chúc, người ta bảo bỏ đâu đó rồi quên rồi, và cũng mất hẳn rồi.
Trồng lại rừng cho Tây Nguyên vừa là chuyện ở tầm vĩ mô, lại vừa như tâm nguyện của anh bạn Cơtu luôn chắt chiu, kiên trì, tỉ mỉ và đầy thương yêu”.
Tại hội thảo An ninh nguồn nước phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Tây Nguyên vừa tổ chức tại Pleiku cuối tuần trước, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá Tây Nguyên trứ danh Nguyên Ngọc đã viết: “Rừng ở Tây Nguyên nghĩa là Nước. Vai trò quan trọng nhất, vai trò chủ yếu, quyết định của rừng, ở nơi nào cũng vậy, càng đặc biệt ở Tây Nguyên, là để giữ nước. Để mưa ào xuống không biến ngay thành lũ tàn phá mà được giữ lại đấy, tằn tiện từng giọt, cho chính Tây Nguyên và cho tất cả các vùng xung quanh. Cho cả một mảng rộng lớn Nam Đông Dương. Đơn giản vì Tây Nguyên ở trên cao. Tây Nguyên là cái tháp nước cho cả vùng rộng lớn này. Phá rừng Tây Nguyên là ta triệt phá cái tháp nước sinh tử ấy”.
Những trăn trở này của ông cũng là trăn trở của người dân Tây Nguyên, những người sống có trách nhiệm ở khắp nơi trên hành tinh này.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2008 – 2014, độ rừng che phủ của Tây Nguyên đã mất hơn 358.000ha, tương đương mỗi năm mất đi 51.2000ha rừng tự nhiên.
Chính việc xây thuỷ điện ồ ạt trên sông Sesan và sông Sêrêpok - hai trong những dòng sông chính ở Tây Nguyên, đã tác động mạnh mẽ và thiếu bền vững tới hệ sinh thái tự nhiên.
Theo Thiếu tướng Trần Đình Thu, Uỷ viên chuyên trách, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, sản xuất và mở rộng đất nông nghiệp, thuỷ điện… đều quá lớn dẫn đến phá vỡ quy hoạch rừng. Việc mất cân đối nguồn nước nghiêm trọng đã để lại hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng không chỉ nội vùng Tây Nguyên, mà còn cho vùng hạ lưu rộng lớn phía nam.
Gợi nhắc của tướng Thu khiến nhiều người nhớ lại hồi cuối năm 2015 và 2016 vừa qua. Dịp đó Việt Nam trải qua đợt hạn mặn lớn nhất trong lịch sử 100 năm. Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là những vùng chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Bi kịch này quá thấm!
Tại hội thảo lần này, giới nghiên cứu lại gợi mở thêm nhiều giải pháp cho việc không thể chần trừ đó là cứu rừng. Ai cũng thấy, phải kiểm soát chặt các dự án thủy điện, phải dừng hết các dự án chưa triển khai; phải quản lý điều hoà nguồn nước…
Bằng những trải nghiệm qua nhiều năm tháng, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng tất cả những biện pháp kỹ thuật đó đều đúng, nhưng vẫn chưa đủ để có thể cứu rừng.
Ông bảo, “điều cốt tử bây giờ là phải trả lại cơ chế tự nhiên”.
Ông kể cách làm của người Ấn Độ, lưu giữ lại các loại hạt giống của các loại cây tự nhiên. Sau đó đi máy bay rải xuống những khu rừng đã bị phá. Những giống đó sẽ phát triển theo cơ chế tự nhiên.
“Chúng ta có thể làm được không, có cứu được rừng không?”, Nhà văn hỏi đầy trăn trở.
Tại Hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng Tây Nguyên tổ chức tại Đăk Lăk hôm 20/6. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo với quyết tâm chính trị rất cao về việc đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp.
Sáng 21/6 một lần nữa ông nhắc lại chỉ đạo này tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.
Giờ chờ xem, các cấp triển khai rốt ráo thế nào.