VNExp - Đầu những năm 2000, khi chúng tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (HUFS) - nay là Đại học Hà Nội - cánh sinh viên thường tếu táo: sinh viên tiếng Anh ở HUFS bị "câm điếc", nghĩa là không nghe và nói được tiếng Anh. Câu đùa đó có một phần sự thật.
Thế hệ sinh viên đời đầu của thế kỷ 21, về cơ bản phần lớn chỉ giỏi ngữ pháp. Vào đại học, dù là trường xịn nhất nhì nước, cũng chỉ được học với giáo viên Việt Nam và nghe băng đĩa. Nhà nào khá giả thì có TV xem CNN với Star Movies. Cơ hội giao tiếp với người nước ngoài xấp xỉ bằng 0, trừ những sinh viên chịu khó ra ngoài làm tour guide. Cho nên “một bộ phận không nhỏ” sinh viên sau khi ra trường mà gặp người nước ngoài là "xoắn hết cả lên".
Thế hệ trẻ ngày nay đã khác nhiều. Internet cho phép các em tiếp cận với tiếng Anh đa chiều: nhạc, phát âm tiếng Anh, phim… Các trung tâm tiếng Anh cho phép nhiều trẻ em thành phố tiếp xúc với kỹ năng giao tiếp từ bé. Nhiều cháu phát âm tiếng Anh còn tốt hơn cả các thầy cô giáo của mình. Ở các thành phố lớn, không ít em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài từ khi còn học cấp 1.
Nhưng sự thay đổi đó chủ yếu không phải đến từ hệ thống giáo dục. Đào tạo tiếng Anh bậc phổ thông của các em vẫn giống như của thế hệ cha anh hàng chục năm trước. Và nó được thể hiện rõ nhất qua đề thi đại học.
Nếu so sánh đề thi đại học khối D năm 2002 - năm đầu tiên tổ chức thi chung - với đề tốt nghiệp PTTH vừa qua, sự khác biệt duy nhất là đề năm 2016 bổ sung thêm một nội dung: viết về những lợi ích của việc biết bơi (đề thi các năm trước cũng có nội dung viết, nhưng chỉ là viết lại câu).
Không có một chút nào của kỹ năng nghe - nói được kiểm tra. Nói cách khác, trong bốn kỹ năng cơ bản nghe - nói - đọc - viết, chỉ có hai kỹ năng - một nửa - được kiểm tra.
Hai năm trước, Bộ trưởng Giáo dục lúc bấy giờ, ông Phạm Vũ Luận đã nhận định: "Trong quá trình đổi mới dạy và học, chúng tôi có tính đến đổi mới môn học ngoại ngữ thì thấy rằng cách dạy học và thi môn này không giống ai trên thế giới”. Hậu quả là: "Học sinh học hết phổ thông vẫn không nói được tiếng Anh và kể cả nói tiếng Anh thì cũng… không ai hiểu".
Nhưng sau hai năm, mọi sự vẫn chưa có gì thay đổi.
Tiếng Anh có câu: "If you always do what you've already done, you'll always get what you've already gotten", có nghĩa là nếu chúng ta vẫn dạy và học tiếng Anh như 20 năm trước, trình độ tiếng Anh của Việt Nam về cơ bản sẽ giẫm chân tại chỗ.
Nên mới có chuyện mới đây một Hoa hậu đã làm trò cười cho dân Philippines. Cô đã không thể “đọc” được một câu tiếng Anh đơn giản khi làm giám khảo trong một cuộc thi sắc đẹp. Và những câu chuyện tương tự không hề hiếm ở Việt Nam. Rất nhiều người trẻ gặp khó khăn trong nghe - nói tiếng Anh.
Tôi thường xuyên gặp những bản tin về việc một chính khách hay một ngôi sao nào đó có thể nói tiếng Anh “lưu loát” dù là chỉ một vài câu giao tiếp cơ bản. Và những thông tin này cũng nhận được sự hoan hỉ, tán thưởng của cộng đồng. Những chuyện tưởng như bình thường vẫn trở thành tin tức. Tôi nghĩ, với một chính khách thường xuyên phải giao đãi với khách quốc tế, một ngôi sao thường xuyên có các chuyến lưu diễn nước ngoài, một bạn trẻ tuổi 9X… thì việc nói tiếng Anh một cách hiểu được là chuyện phải trở nên bình thường trong bối cảnh hội nhập ngày nay.
Để có được điều bình thường đó, tôi nghĩ chúng ta phải xây dựng hệ thống đào tạo ngoại ngữ trên cơ sở bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết của học sinh, chứ không chỉ là một nửa số kỹ năng như bây giờ. Và trong kỳ thi tốt nghiệp, đề thi phải thể hiện và đánh giá đầy đủ bốn kỹ năng ấy. Để sau 12 năm học tiếng Anh, các em ít nhất có thể sử dụng tiếng Anh một cách tự tin.