CAND - Không biết từ khi nào, chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với cụm từ “đúng quy trình”, một cụm từ thông dụng để người ta giải thích về một sự cố nào đó xảy ra…
Mới đây, truyền thông bàn luận sôi nổi về việc ông Vũ Quang Hải (con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng) được lãnh đạo Bộ Công thương điều động về Sabeco ở vị trí hàm phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là thành viên HĐQT. Người ta thắc mắc, liệu việc bổ nhiệm ông Hải có đúng quy trình hay không?
Thật ra thì thắc mắc đó, hay nói thẳng ra là sự hồ nghi như thế cũng là điều hết sức dễ hiểu. Người xưa có nói: “Đi qua ruộng dưa chớ có sửa giày” là vậy. Cho nên, đối với những việc nhạy cảm như quy trình bổ nhiệm ông Hải về Sabeco thì cần phải hết sức minh bạch, rõ ràng nếu không muốn bị người ta quy kết “tình ngay lý gian”.
Trả lời trên truyền thông, ông Vũ Quang Hải cho biết, ông về Sabeco từ đầu năm 2015 là do được đơn vị này xin về và mọi thủ tục bổ nhiệm đều đúng quy trình. Cụ thể thì quy trình đó là thế này, Chủ tịch HĐQT Sabeco lúc đó là anh Phan Đăng Tuất có làm văn bản gửi Bộ Công thương xin tăng cường cán bộ trẻ cho tổng công ty.
Ông Tuất đã có văn bản chỉ đích danh ông Vũ Quang Hải và hai Phó TGĐ trẻ khác. Thời điểm đó, Bộ Công thương chấp thuận giới thiệu ông Hải về Sabeco chứ không hề có quyết định bổ nhiệm ông.
Ngoài ra, ông Vũ Quang Hải còn cho biết thêm ngay thời điểm ông về Sabeco và cả hiện nay, ông không hề là người đại diện vốn nhà nước tại Sabeco. Ông phân trần: “Tôi chỉ là người làm thuê cho Sabeco thôi, hoàn toàn rất đúng quy trình, chứ không phải bố bổ nhiệm con”.
Báo chí cũng đã phân tích theo pháp luật hiện hành quy định về doanh nghiệp nhà nước cũng như điều kiện, tiêu chuẩn để đưa người vào các công ty mẹ, công ty con giữ chức vụ quan trọng. Những quy định này khá nhiều và cũng rất khắt khe, song, thực tế biến hóa thì muôn hình vạn trạng và tất nhiên việc ông Hải về giữ chức thành viên HĐQT Sabeco là không có gì sai, tất cả đều đúng quy trình.
Vâng, thực tế thì quy trình rất khó sai nếu như người ta đã muốn như thế; sai, có chăng chỉ ở hình thức nào đó mà thôi. Và phải thừa nhận rằng, cụm từ “đúng quy trình” đã trở nên quá quen thuộc mỗi khi người ta giải thích về một sự cố nào đó vừa xảy ra.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng làm lãnh đạo một công ty nhà nước gây thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng, Văn phòng Chính phủ từng có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan nhưng sau đó ông được đưa về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Việc này cũng được lý giải “đúng quy trình”. Thậm chí là mới đây, ông Thanh còn trúng cử đại biểu Quốc hội.
Ở vụ các bác sĩ tắc trách khiến một nữ sinh lớp 10 cưa chân, Sở Y tế Đắk Lắk ban hành kết luận thanh tra rằng Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin “có sai sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu xảy ra đã không xử lý kịp thời” nhưng quy trình khám chữa bệnh cho nữ sinh này là đúng.
Vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong thời gian gần đây là vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh (TP HCM), đều cho rằng vụ việc đã được thực hiện “đúng quy trình”.
Ở Hà Nội, hai dự án đường sắt đô thị lớn liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố... Đó là việc sắt bị tuột khỏi cẩu rơi xuống đường, sàn bê tông đổ sập, thanh sắt rơi xuống trúng chiếc xe, cần cẩu dài đè lên nhà dân... Những sự việc này đã khiến 1 người chết, 5 người bị thương và nhiều phương tiện bị hư hỏng. Song, việc thi công công trình này vẫn được kết luận là “đúng quy trình”.
Đường ống nước Sông Đà giai đoạn I của nhà thầu Trung Quốc đã bị vỡ hơn 15 lần vậy mà trong lần gọi thầu cho dự án giai đoạn II vừa qua, người ta vẫn chọn chủ thầu Trung Quốc. Tất nhiên đó là lựa chọn thầu “đúng quy trình”.
Hay đình đám nhất là vụ cá chết hàng loạt trên dọc biển miền Trung, người dân nghi vấn nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải có độc tố ra môi trường biển… cơ quan chức năng vẫn kết luận là Fomosa được cấp phép và xả thải “đúng quy trình”, người dân cứ yên tâm ăn cá và tắm biển.
Không riêng gì với Formosa, ở nhiều nhà máy khác cũng vậy, dẫu đơn tố cáo của người dân về việc nhà máy gây ô nhiểm môi trường gửi đến ồ ạt thì cơ quan liên quan vẫn kết luận tương tự: Xả thải “đúng quy trình”…
Đã có rất rất nhiều sự cố xảy ra ở nhiều lĩnh vực nhưng vẫn được kết luận là “đúng quy trình”. Vậy lý do vì sao “đúng quy trình” mà kết quả vẫn sai? Thật ra sẽ có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Đó có thể là do trình độ nhận thức về mặt pháp luật còn hạn chế, là do lợi ích cá nhân chi phối, là cán bộ muốn thể hiện uy quyền với dân...
Quy trình thì căn cứ theo luật pháp, mà luật pháp là do con người tạo ra, nó có chặt chẽ, khắt khe đến mấy thì cũng không phải là hoàn hảo đến mức không có những “kẽ hở”. Luật pháp được con người thực thi, nên nếu con người vướng vào những điều kể trên, thì quy trình cũng không có tác dụng. Vì vậy mà người xưa mới dạy, làm quan thì phải trung thực và biết liêm sỉ. Nếu thiếu nó thì dù có “quy trình”, quan vẫn hành và hại dân như thường.
Nhưng việc làm “đúng quy trình” mà vẫn sai không chỉ dừng lại ở những tác hại như các ví dụ kể trên mà quan trọng hơn, nó góp phần làm sụp đổ niềm tin của nhân dân vào cái gọi là “quy trình” của một bộ phận cán bộ. Từ sự mất dần niềm tin ấy, người ta sẽ dần trở nên nghi kỵ với tất cả. Đó mới thật sự là điều nguy hiểm cho một hệ thống xã hội.