LĐO - Vụ 2 cán bộ hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng gây sách nhiễu, vòi tiền khách đang làm nóng dư luận. Đặc biệt, sau khi công khai vụ việc, nhiều người dân tiếp tục tố cáo hành vi tương tự, nhưng nghiêm trọng hơn là cách giải quyết “nội bộ” theo hướng bao che, giấu tội, tạo môi trường để dung dưỡng những cán bộ biến chất, tiêu cực…
Từ vòi vĩnh đến “làm tiền”
Vụ 2 cán bộ hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng có biểu hiện vòi vĩnh tiền của du khách hôm 5.7 tiếp tục gây “nóng” dư luận bởi kết quả kiểm tra “quyết liệt” của Chi cục HQ sân bay quốc tế Đà Nẵng cho thấy 2 cán bộ này chưa có biểu hiện sai phạm đến mức phải kỷ luật? Trước đó, gia đình một giáo sư ĐH từ Mỹ quá cảnh đến sân bay Đà Nẵng để về Huế đã bị 2 nhân viên HQ tại đây gây khó dễ với vài lọ thuốc bổ để rồi kiểm tra hành lý, xin bồi dưỡng mỗi người… 200 ngàn đồng. Ngay sau khi có phản ánh trên mạng xã hội, ông Phạm Duy Nhất - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay Đà Nẵng lập tức điều chuyển hai cán bộ HQ nói trên khỏi vị trí tiếp xúc với dân, du khách để kiểm tra, xử lý kỷ luật sau. Những vụ việc tương tự xảy ra thường xuyên tại sân bay Đà Nẵng, được nhiều người dân, du khách tố giác trên mạng xã hội.
Điều đáng nói là những biểu hiện tiêu cực của HQ cửa khẩu sân bay Đà Nẵng liên tục xảy ra, bị người dân, dư luận phản ánh, từng tới tai Bí thư Nguyễn Xuân Anh. Ông Xuân Anh đã chỉ đạo trực tiếp Cục trưởng Cục HQ Đà Nẵng Nguyễn Tiến Thọ xử lý. Nhưng kết quả “giơ cao đánh khẽ” đã không có tính giáo dục, răn đe, vì vậy vấn nạn tiêu cực tái phạm.
Cụ thể, tháng 5.2016, có dư luận tố cáo Đội trưởng Nguyễn Thị Thúy Nga và Chi Cục trưởng HQ sây bay quốc tế Đà Nẵng - Nguyễn Thái Hoan đã có hành vi “gây khó dễ”, vòi tiền 2 sinh viên Việt kiều khi họ đã mang hàng hóa có giá trị quá mức cho phép theo quy định của Bộ Tài chính. Để thông quan lô hàng, các cán bộ HQ này đã nhiều lần ra giá. Cuối cùng, gia đình 2 sinh viên này đã phải chung chi 50 triệu đồng.
Đóng cửa để… bao che nhau
Sự việc được dư luận báo cáo đến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Ông Xuân Anh bức xúc, chỉ đạo Cục HQ Đà Nẵng xử lý ngay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6.2016, ông Hoan mới bị thuyên chuyển sang quản lý đội kiểm soát phòng, chống ma túy, và bà Nga chuyển sang đội bưu phẩm bưu kiện.
Theo Cục trưởng Cục HQ Đà Nẵng Nguyễn Tiến Thọ, ngay khi nhận thông tin 2 cán bộ HQ này có dư luận về tiêu cực, Cục HQ đã lập tức cử người phụ trách kiểm tra, buộc họ giải trình… Nhưng chưa có cơ sở khẳng định vi phạm rõ ràng, nên trước mắt cục điều chuyển sang vị trí mới, hạn chế môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với dân, du khách. Song ông Thọ cũng cho hay, quyết định này được thể hiện là điều chuyển mang tính chất định kỳ, đồng thời bảo vệ chính trị nội bộ! Ngay người kế nhiệm Chi Cục trưởng HQ sây bay quốc tế Đà Nẵng, ông Phạm Duy Nhất vừa tiếp nhận công việc thay ông Hoan (hôm thứ hai 4.7) cũng không được hay biết người tiền nhiệm của mình bị điều chuyển có liên quan đến tiêu cực - ông Nhất nói.
Chính vì cách xử lý mang tính bao che dưới danh nghĩa xử lý “nội bộ” này đã dung dưỡng cho các cán bộ tiêu cực có đất sống. Và hậu quả nhãn tiền, (thứ 3 ngày 5.7) đã xảy ra vụ việc 2 cán bộ HQ ở chính Chi cục HQ sân bay quốc tế Đà Nẵng này tiếp tục có hành vi gây khó dễ với du khách và vòi tiền chỉ với… 200 ngàn đồng.
Ngày 7.7, trả lời PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thọ cho biết, Chi cục HQ sân bay Đà Nẵng đã phối hợp với an ninh sân bay (ANSB) trích xuất camera giám sát để kiểm tra. Kết quả ban đầu (theo báo cáo miệng) là 2 cán bộ đó không có biểu hiện gây sách nhiễu, vòi 200 ngàn đồng của du khách như phản ánh trên mạng xã hội! “ Tuy nhiên trước dư luận như vậy, việc điều chuyển họ sang môi trường làm việc khác để phòng ngừa là hợp lý ”- ông Thọ nói.
Trong khi đó, GĐ Trung tâm An ninh hàng không sân bay quốc tế Đà Nẵng ông Phạm Phú Mỹ cho biết: “Đến giờ này (trưa 7.7 - P.V) chúng tôi chưa nhận bất cứ yêu cầu nào từ phía HQ Đà Nẵng đề nghị ANSB trích xuất hay kiểm tra camera giám sát tại sân bay”. Ông Mỹ cũng cho biết, camera AN lắp đặt nơi công cộng để soi chiếu hành khách qua cửa, hàng hóa trên băng chuyền… còn phòng làm việc riêng của HQ thì không có. HQ sân bay có hệ thống camera giám sát riêng, vì vậy khi hàng hóa có nghi vấn, họ (HQ - P.V) mời khách vào phòng riêng để kiểm tra là ngoài tầm giám sát của camera ANSB.
Dù thực tế kiểm tra vụ liên quan đến 2 cán bộ HQ tiêu cực đang thiếu tính minh bạch, nhưng với trả lời của Cục trưởng Cục HQ Đà Nẵng Nguyễn Tiến Thọ, cho thấy vụ việc sẽ rơi vào hình thức xử lý “đánh khẽ”, sẽ “thuyên chuyển để phòng ngừa” tương tự cách đã xử lý cán bộ HQ - Nguyễn Thái Hoan và Nguyễn Thị Thúy Nga trước đó. Và không ai dám chắc thực trạng nhũng nhiễu, thái độ bất nhã, kém về văn hóa ứng xử của cán bộ HQ sẽ được hạn chế, chấm dứt.
Ông Thọ cũng thừa nhận, trước đó có xuất hiện dư luận cho rằng, qua camera giám sát an ninh sân bay phát hiện một cán bộ HQ có biểu hiện hành vi gây khó, vòi vĩnh du khách, chủ động thay đổi hiện trạng, xô lệch góc camera giám sát an ninh… Vụ việc cũng đã được xử lý, thuyên chuyển công tác. Nhưng cũng do hành vi không rõ nên không có bất cứ một quyết định kỷ luật nào.
Trước vụ việc “nóng”, làm mất hình ảnh của TP. Đà Nẵng, người dân cả nước đang chờ đợi cách giải quyết thuyết phục từ cấp cao hơn là chính quyền và Thành ủy Đà Nẵng. Vẫn biết, các cán bộ ở nhiều ngành, lĩnh vực, thuộc sự quản lý của ngành dọc, của trung ương... sẽ vướng về quy trình xử lý của địa phương, nhưng không phải không có giải pháp - nhất là ở địa phương có người đứng đầu luôn tuyên chiến với tiêu cực, tham nhũng, gây khó cho doanh nghiệp, du khách và nhân dân.