Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Sống chung với... độc quyền

THANH TUYỀN

TTO - Không chỉ xe cấp cứu, người bệnh nếu muốn đón taxi trong sân của một số bệnh viện khác cũng phải theo hãng xe do bệnh viện cho độc quyền.

Việc đuổi việc 3 bảo vệ ngăn cản xe cấp cứu bên ngoài chở bệnh nhi hấp hối ở Bệnh viện Nhi trung ương không xoa dịu bức xúc của dư luận bởi như phản ánh của Tuổi Trẻ (ngày 10-7), không chỉ xe cấp cứu, người bệnh nếu muốn đón taxi trong sân của một số bệnh viện khác cũng phải theo hãng xe do bệnh viện cho độc quyền.

Thật khó tin khi cả nền kinh tế đang nhộn nhịp cạnh tranh thì lại xuất hiện nạn độc quyền vận chuyển ở nhiều nơi. Thế mới có cảnh bệnh nhân không muốn đi taxi độc quyền đậu sẵn trong sân bệnh viện, phải bồng bế, tay xách nách mang đồ đạc ra bên ngoài để được chọn hãng taxi mà mình muốn đi.

Nạn độc quyền bến bãi đang phát triển không chỉ ở bệnh viện, nhà ga, chung cư... mà lan ra cả quán ăn, điểm du lịch, thậm chí lòng đường phía trước điểm kinh doanh có nhiều người ra vào. Những người quản lý những khu vực này có đủ lý lẽ để biện minh cho việc tạo ra độc quyền, nào là vì an ninh trật tự, vì nạn tranh giành khách...

Có thật sự là như vậy? Không, đó chỉ là phân nửa câu chuyện. Ẩn chứa sau đó là những hợp đồng, cam kết, là tiền bạc, là bán điểm dừng - đỗ, biến thành bến bãi độc quyền của đơn vị vận chuyển.

Thực tế là việc cạnh tranh giữa các hãng taxi diễn ra gay gắt lại dẫn đến nạn... độc quyền. Các hãng tìm mọi cách để biến điểm dừng - đỗ nơi công cộng thành bến bãi riêng của mình. Có cầu ắt có cung, các điểm dừng - đỗ đã trở thành hàng hóa để mua bán.

Đã có cạnh tranh để tìm mua bến bãi thì cũng có nhiều cách để thương lượng, chèo kéo, thuyết phục lãnh đạo đơn vị A, đơn vị B đồng ý cho một hãng taxi được độc quyền. Không loại trừ ngoài các khoản theo hợp đồng còn có chung chi ngoài để có được chữ ký cho độc quyền, bởi ít thấy đơn vị bán bến bãi tổ chức đấu thầu công khai.

Bởi vậy, sau vụ “chặn xe chở bệnh nhi hấp hối”, chỉ đạo của cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế “yêu cầu các bệnh viện gỡ bỏ ngay các quy định nội bộ dẫn đến hạn chế người bệnh ra viện và không cần trợ giúp y tế được lựa chọn dịch vụ vận chuyển” chưa hẳn có thể giúp thay đổi tình hình.

Nói thế là bởi nạn độc quyền vận chuyển ở bệnh viện cũng có căn bệnh tương tự như độc quyền taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất nhiều năm trước. Khi đó, các vụ việc dù gây nhức nhối nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi. Nhưng chuyện xóa độc quyền taxi của sân bay Tân Sơn Nhất sau này cũng cho thấy việc này là không khó nếu bỏ qua những lợi ích riêng của đơn vị.

Những người quản lý nơi có điểm dừng - đỗ đang cho hãng taxi độc quyền quên rằng họ phải có trách nhiệm tạo thuận lợi cho khách hàng của họ được quyền chọn hãng vận chuyển. Thay vì bán điểm dừng - đỗ, họ phải xây dựng những quy định và buộc các hãng vận chuyển phải tuân theo những quy định về trật tự trong khuôn viên đơn vị.

Không thể có chuyện “cạnh tranh sinh độc quyền”, mà đó chỉ là biến tướng của nạn cạnh tranh không lành mạnh, với sự góp sức của những đơn vị quản lý điểm dừng - đỗ, đã tận dụng “đặc quyền” quản lý những điểm công cộng để có “đặc lợi”. Cũng không thể bắt người dân sống chung với độc quyền.

Phải chấm dứt âm thầm bán điểm dừng - đỗ làm bến bãi độc quyền. Những người quản lý các khu vực công cộng bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ nếu để xảy ra độc quyền bến bãi. Chỉ khi đó, quyền được lựa chọn hãng vận chuyển của người dân mới được tôn trọng.