Đất Việt - Vì 2 trẻ song sinh dính nhau không có tiền phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung – Phó Giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên, Hà Giang ra chợ xin tiền.
Mạng xã hội facebook đang chia sẻ một câu chuyện vô cùng cảm động từ một bài báo trên infonet: “Bác sĩ ra chợ xin từ thiện cứu 2 bé song sinh dính liền: Bị trách nhưng vẫn vui”.
Bài báo kể về bác sĩ Chung, Phó giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên, Hà Giang, người đã mặc áo blue trắng, mang tấm biển chụp 2 bé song sinh người Dao bị dính nhau ra giữa chợ đứng để xin tiền từ thiện nhằm cứu sống 2 bé. Số tiền anh Chung quyên góp được đến nay đã được hơn 40 triệu đồng.
Bác sĩ Chung nói: “Tiền ăn của họ cũng không có lấy đâu ra tiền xuống Hà Nội? Dù hai cháu có bảo hiểm y tế nhưng tiền để đưa cháu xuống Hà Nội là cả vấn đề” vì thế anh quyết định đứng ra làm việc này. Mặc quần áo thường phục sợ dân không tin, anh mặc chiếc áo blue trắng, đeo cả biển tên để đánh tan mọi sự nghi ngờ.
Khi có tiền chuyển 2 bé xuống bệnh viện Việt Đức phẫu thuật vào chiều 14-7 rồi, bác sĩ Chung bị sếp “trách”, rằng có nhiều cách sao lại dùng cách đó, nhưng anh trả lời, việc cứu 2 cháu bé là quan trọng nhất.
Tại sao câu chuyện này lại khiến chúng ta ấm lòng làm vậy?
Bởi vì nó cho chúng ta một niềm an ủi, rằng trong cuộc đời này, người tốt còn nhiều lắm. Những bác sĩ có tâm trong chiếc áo blue trắng như áo trắng thiên thần vẫn còn nhiều lắm. Họ không nề hà việc gì, cần tiếp máu cho bệnh nhân thì hiến máu, cần ra đứng giữa chợ xin tiền cho bệnh nhân nghèo thì cũng đứng, miễn là không thấy day dứt trong lương tâm.
Bác sĩ Chung- một người tốt bình dị với những suy nghĩ bình dị, nhưng anh đã thắp lên giúp chúng ta một ngọn lửa để tin rằng, chỉ cần gõ đúng chỗ, mọi cánh cửa đều mở ra. Người nghèo trong xã hội thì có nhiều, và người nghèo biết thương nhau cũng còn rất nhiều.
Câu chuyện của bác sĩ Chung khiến tôi liên tưởng đến bà Lê Thị Công- nguyên Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Người mới đây tuyên bố không hối tiếc, không thấy mắc nợ ai khi xin nghỉ việc vì không chấp nhận 1 quyết định điều chuyển công tác vô lý khi bà phát hiện ra sai phạm ở 4 dự án đất đai. Bà Công bảo giờ bà về làm ruộng, bà con nông dân nào cần giúp thì mình giúp.
Những người như bác sĩ Chung, hay bà Công, họ đã và đang là những mắt xích trong guồng quay, nhưng họ không chấp nhận sự xuôi chiều, không chịu vô cảm. Bác sĩ Chung có thể ký quyết định chuyển viện cho 2 cháu bé, rồi làm tiếp các công việc khác của anh, ai dám trách?
Bà Công có thể chấp nhận điều chuyển công việc khác, bỏ qua những sai phạm mà bà phát hiện ra, cũng không ai trách, vì đó cũng là thói thường trong ứng xử của công chức, cán bộ thời nay.
Nhưng họ không như thế. Những người tử tế không lựa chọn cách sống ấy. Đó là điều đáng mừng cho tất cả chúng ta. Bởi còn những người tử tế như họ nên chúng ta mới 2 câu chuyện đẹp, bác sĩ ra chợ xin tiền, giám đốc về nhà làm ruộng.
Tin tức tốt lành thế này, dù chưa nhiều, nhưng cũng giúp chúng ta xóa đi nỗi ám ảnh về những câu chuyện xấu, giúp chúng ta không quá tuyệt vọng khi nghĩ đến những quan chức trong ngành tài nguyên môi trường ở Hà Tĩnh, tiếp tay cho Formosa chôn lấp rác thải trên chính đất đai của quê hương mình.
Cảm ơn bác sĩ Chung, cảm ơn bà Lê Thị Công về những ứng xử đẹp. Chính các anh, các chị chứ không phải ai khác, đang giữ gìn sự thiên lương của con người và đem đến điều tốt lành cho xã hội chúng ta.