Người Đô Thị - "Đền bù chỉ là một phần góp vốn của phía gây ra hậu quả, không phải là chi phí khôi phục môi trường”, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group cho biết.
Chiều 30.6, Chính phủ đã tổ chức họp báo chuyên đề thông báo nguyên nhân sự cố môi trường khiến cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế hồi tháng 4 vừa qua.
Theo đó kết luận, những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường.
Đồng thời cho biết, Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển, số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD; khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi xả ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua…
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Trần Bạt, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group cho biết, phản ứng của Chính phủ là phản ứng luôn luôn cần thiết có một độ trễ nghiên cứu, độ trễ nghiên cứu ấy tạo ra sự chín chắn trong phát ngôn của Chính phủ đối với sự cố.
“Chính phủ không thể thiếu chín chắn trong phát ngôn, còn nhân dân thì không thể không sốt ruột được. Mọi sự cố môi trường trên toàn thế giới đều diễn ra theo đúng như thế. Ngay cả sự cố ở Vịnh Mexico từ năm 2010 cho đến bây giờ cũng chưa xử lý xong”, ông Bạt dẫn chứng.
Ông Bạt cũng cho biết, biển miền Trung còn “chết” trong 20-30 năm mới có thể phục hồi tự nhiên, để tẩy rửa sạch sẽ có thể sớm hơn nhưng phải mất chi phí. “Chi phí ấy nhiều khi Chính phủ phải tự bỏ ra để làm, đền bù chỉ là một phần góp vốn của phía gây ra hậu quả, không phải là chi phí khôi phục môi trường”, ông Bạt nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, 500 triệu USD là số tiền nhỏ và chỉ có giá trị ban đầu trong việc khởi động một chương trình công nghiệp khắc phục hậu quả môi trường.
So sánh với sự cố tràn dầu của BP tại Vịnh Mexico, ông Bạt cho rằng, chi phí này chỉ đủ để đưa vấn đề chất thải vào nguyên tắc, không đủ để khắc phục hậu quả.
“Chiều dài của biển Đông không kém gì chiều dài của Vịnh Mexico, các độc tố trong sự cố tràn dầu của BP ở Vịnh Mexico không độc hơn so với ở vùng biển miền Trung nước ta. Tuy nhiên, dầu tràn là một loại chất thải tự nhiên, còn đây là chất thải đã được cô đặc dưới dạng các axit. Sự cố ở Vũng Áng, hay sự cố ở Vịnh Đông Dương nghiêm trọng không kém gì sự cố ở Vịnh Mexico. Mức đền bù của người Anh cho các vùng địa lý ở Vịnh Mexico lên tới con số hơn 20 tỷ USD. Để hoàn nguyên vùng biển miền Trung tôi nghĩ 500 triệu USD là quá ít”, ông Bạt phân tích.
“Formosa không phải là tập đoàn chuyên nghiệp về làm thép, cho nên trong sự xúc rửa ban đầu của hệ thống đã phạm ngay phải sai lầm, tức là chưa đi vào sản xuất đã phạm sai lầm và Việt Nam chưa có kinh nghiệm khi cấp phép cho Tập đoàn này”, ông Bạt bổ sung.
Cũng theo ông Nguyễn Trần Bạt, việc bảo vệ biển sạch nhằm mục đích để con người sống và bán sự sạch sẽ của biển dưới dạng các dịch vụ kinh doanh du lịch tuy nhiên, chúng ta đã bán một lần biển miền Trung cho Formosa. “Chúng ta đã bán một lần biển miền Trung cho Formosa, đền bù bao nhiêu tiền thì cũng thể hiện là chúng ta đã bán một lần”, ông nói.
Trả lời câu hỏi liệu chính sách thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới có cần điều chỉnh, thay đổi hay không, ông Bạt nhấn mạnh rằng, chính sách không cần thay đổi, quan trọng hơn là thái độ thực thi chính sách một cách nghiêm túc. Các chính sách, quy định đã chi tiết và có thể bổ sung để sâu hơn nhưng vấn đề là cần quản lý một cách chắc chắn.
Ông Bạt cũng cho biết, nếu nhà máy tiếp tục hoạt động sẽ bổ sung chất thải hàng ngày, không ai có thể đảm bảo kiểm soát được chất lượng nước thải. “Lý do rất đơn giản là nếu nước thải sạch và uống được như lý thuyết thì không có thép. Sản lượng thép sẽ biến mất cùng với độ sạch của nước thải”, ông Bạt kết luận.