Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Đừng độc quyền biên soạn sách giáo khoa nữa

LÊ THANH PHONG

LĐO - Độc quyền sách giáo khoa mấy chục năm nay là một trong những nguyên nhân làm cho giáo dục Việt Nam (VN) yếu kém. Không có sản phẩm nào độc quyền mà có chất lượng, chỉ có cạnh tranh mới tạo ra thay đổi, cải tiến, sáng tạo. Những sai sót và hạn chế về kiến thức trong các bộ sách giáo khoa từng được chỉ ra cho thấy chất lượng của sản phẩm độc quyền, tưởng không cần phải bàn cãi thêm về vấn đề này.

Phụ huynh, học sinh bao nhiêu năm chấp nhận một bộ sách giáo khoa, không có sự lựa chọn, không có quyền trả giá. Xét cho cùng, đây cũng là sự không công bằng. Bắt buộc học sinh học một bộ sách bản thân đó đã là phi giáo dục. Phải có nhiều bộ sách để có nhiều sáng tạo, sáng tạo từ người biên soạn đến người giảng dạy, khi đó người học mới không bị áp đặt tư duy một chiều. Nhiều ý kiến từng đặt ra, tại sao học sinh VN học giỏi, nhưng khi đi xa hơn để nghiên cứu, sáng chế thì thua các nước? Câu trả lời là, học sinh VN không được dạy về sự sáng tạo ngay từ khi còn trên ghế phổ thông. Muốn thay đổi từ cách học áp đặt sang tự do sáng tạo, hãy bắt đầu từ việc phá độc quyền sách giáo khoa.

TPHCM đề xuất Bộ GDĐT cho thí điểm xây dựng khung chương trình riêng, bộ sách giáo khoa riêng, giảng dạy chương trình riêng. Đây là những đề xuất rất đáng được ủng hộ, chấp thuận. TPHCM muốn dẹp dạy thêm, học thêm, trước hết phải giảm tải chương trình, học sinh chơi nhiều hơn, phụ huynh bớt áp lực hơn. Với chương trình hiện nay, không học thêm cũng không phải dễ.

Đối với việc soạn riêng bộ sách giáo khoa, không chỉ TPHCM mà nhiều địa phương khác như Hà Nội hoặc các nhóm biên soạn độc lập cũng có thể thực hiện. Các nhà biên soạn dựa trên đề cương chung của Bộ GDĐT, sau đó linh động, sáng tạo để biên soạn bộ sách giáo khoa. Đó là những sản phẩm phục vụ giáo dục được đưa ra cạnh tranh trên thị trường. Bộ sách nào hay, được nhiều người lựa chọn thì đó chính là sự khẳng định về chất lượng, những bộ sách không được thầy giáo, học sinh lựa chọn thì tự nó bị loại khỏi sân chơi. Thị trường sẽ làm việc đó một cách công bằng, điều mà cơ chế độc quyền không bao giờ có.

Biên soạn sách giáo khoa không độc quyền thì in ấn cũng không độc quyền. Những nhà làm sách có quyền chọn nhà in đấu thầu với giá rẻ nhất. Cạnh tranh giữa các nhà in sẽ cho ra sản phẩm có giá thành phù hợp, phụ huynh bớt đi gánh nặng, xã hội bớt đi tiêu tốn vì chuyện chi tiêu cho những bộ sách độc quyền.

Phá độc quyền sách giáo khoa ai cũng biết là lợi ích, nhưng đến nay vẫn bám cơ chế độc quyền.