Petrotimes - Chiều 19-5, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với UBND huyện Hóc Môn về việc giải quyết các kiến nghị của cử tri Hóc Môn liên quan đến việc Công ty TNHH Tấn Minh gây ô nhiễm, người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và bức xúc nhiều năm nay.
Tại đây, sau khi nghe Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn báo cáo về sự việc, Bí thư Thăng truy vấn: “Cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư thế tại sao vẫn để tồn tại? Các anh gửi cho tôi một báo cáo nói rằng, không có cơ sở pháp lý để di dời Công ty Tấn Minh, trong khi cơ sở sản xuất thì không được phép nằm trong khu dân cư”.
Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu: “Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đâu? Các anh làm một báo cáo vô cảm thế à? Không có quy hoạch mà vẫn để tồn tại. Việc này phải cách chức Trưởng phòng TN&MT. Các anh bảo vệ tài nguyên môi trường như thế à?” (ông Trần Quang Duy - Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn).
Những tưởng việc cách chức sẽ được tiến hành sau vài ba ngày, nhưng thật bất ngờ khi lãnh đạo huyện và các cơ quan thành phố đã trả lời rằng, muốn cách chức phải có quy trình. Và để làm được quy trình này thì rất không đơn giản, bởi vì phải tìm cho ra được khuyết điểm hoặc sai phạm của người bị đề nghị cách chức.
Một vị lãnh đạo huyện cho rằng: “Ở đây, chắc vi phạm cụ thể là không có, nhưng có yếu kém, hạn chế ở chỗ là thiếu trách nhiệm trong việc triển khai, tổ chức các công việc thuộc về phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của phòng và của chính mình”.
Đây quả là chuyện không đơn giản, bởi lẽ, một cán bộ lãnh đạo có sai phạm, chứng cứ rành rành, bị xử lý bằng pháp luật thì việc cách chức là đương nhiên. Nhưng còn những cán bộ năng lực yếu một tí, tinh thần công tác kém một tí, tác phong lối sống “có vấn đề” một tí; vô cảm với dân một tí… thì cách chức khó lắm!
Điều này có nguyên nhân sâu xa, là bấy lâu nay việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải do cấp ủy quyết định. Người đứng đầu phải thực hiện các nghị quyết của cấp ủy Đảng, của Ban Cán sự, Đảng đoàn và tập thể lãnh đạo. Còn trong công tác điều hành, họ có thể chậm chạp, họ có thể lề mề, họ có thể xử lý lúng túng v.v… và v.v… Những điều này chỉ là nghe thấy, cảm nhận thấy nhưng không “bắt tận tay day tận trán” được. Chính vì vậy mà việc xử lý, cách chức cán bộ lâu nay cực kỳ khó, nhất là với những người không có “tội danh” cụ thể.
Trong lịch sử chắc chắn chưa có ai bị mất chức vì khuyết điểm “vô cảm” với dân, mà chúng ta đều biết rằng, chính từ sự vô cảm này mà dẫn tới người cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm, không vì dân, không biết đặt quyền lợi của người dân lên trên.
Đã có không ít lãnh đạo cao cấp từng phải thốt lên rằng, cả một nhiệm kỳ làm việc của mình cũng chẳng cách chức được ai. Mặc dù nhìn thấy sự trì trệ, nhìn thấy sự yếu kém của rất nhiều lãnh đạo dưới quyền.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu chúng ta phải sớm điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thể chế để cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp và làm cho xã hội phát triển nhanh hơn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát lại các văn bản pháp quy xem cái nào không còn phù hợp với thực tiễn thì sớm xóa bỏ, thay đổi. Đây thực sự là một chủ trương hợp lòng dân.
Nhưng thiết nghĩ, một trong những biện pháp cần phải làm, đó là phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, đặc biệt đối với việc cách chức, miễn nhiệm cán bộ, nhất là những người đứng đầu. Khi chúng ta đề bạt cán bộ thì phải qua rất nhiều khâu. Nào là từ quy hoạch, nào là từ bằng cấp, rồi phải xem xét quá trình công tác, thậm chí phải đào bới xới lộn lý lịch tam tứ đại đồng đường. Vô vàn những thủ tục hết sức phức tạp. Nhưng những thủ tục đấy không là gì khi cần phải cách chức một cán bộ, bởi lẽ muốn cách chức được người đó thì phải chứng minh được họ đang làm gì sai, họ yếu kém ở khâu gì, họ không hoàn thành nhiệm vụ ở khâu nào. Chứ không thể cách chức những cán bộ với lý do vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa hòa đồng với anh em, lãnh đạo gia trưởng, nóng nảy…
Bấy lâu nay ai cũng nói về việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Nói là như vậy nhưng thực tế đang không phải như vậy, bởi lẽ, bản thân người đứng đầu cũng chỉ là người thừa hành những nghị quyết mà tập thể lãnh đạo đưa ra, người đứng đầu không có quyền lựa chọn cho mình cấp phó giúp việc, cũng chẳng có quyền thay đổi những người giúp việc đã có sẵn, mà ai cũng biết rằng, để có được một tập thể đoàn kết nhất trí thì không dễ chút nào.
Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, sự thay đổi của xã hội đang đòi hỏi rất cần những cán bộ mạnh mẽ, quyết đoán, dám làm, dám chịu, trách nhiệm. Khi cấp trên đã tin giao cho họ trọng trách thì tốt nhất hãy để cho họ có quyền “độc đoán” một chút. Đó là có thể ra lệnh cách chức ngay lập tức một cán bộ mà hành vi của họ cũng có khi chỉ là “vô cảm” với dân.
Muốn để bộ máy công quyền của chúng ta hoạt động hiệu quả hơn, thì nên chăng, hãy để cho người đứng đầu có quyền yêu cầu hoặc ra lệnh cách chức, miễn nhiệm cán bộ ngay lập tức mà không phải qua nhiều quy trình như hiện nay.