Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Không để xin xỏ, luồn lách mới vào được Nhà nước

Thu Hằng

VNN - Phó Thủ tướng yêu cầu tuyển chọn cán bộ, công chức phải cạnh tranh, không chạy chọt, xin xỏ, luồn lách, lợi dụng quan hệ quen biết.

Làm việc với Bộ Nội vụ sáng nay, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề cập hàng loạt vấn đề của ngành.

Ghế nhiều, đặt lên ngồi không thực chất

Liên quan việc bổ nhiệm chức danh hàm, Phó Thủ tướng nêu băn khoăn có phải việc này là để động viên, khuyến khích người có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm khi chưa được bổ nhiệm vào vị trí quản lý không?

Theo ông, cũng có tình trạng “ghế nhiều quá, đặt lên đó ngồi lại không thực chất”. Tuy nhiên, cũng có người tài năng thực sự nhưng chế độ chính sách cho họ trong điều kiện không thể bổ nhiệm được do cơ cấu, vị trí, chức vụ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ lưỡng có nên tiếp tục phong hàm không, nếu không phong hàm thì như thế nào... phải làm rõ để đề xuất cho thỏa đáng.

Về công tác tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện tránh tinh giản không đúng đối tượng, thắt chặt ngay từ khâu tuyển dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức.

“Chúng ta làm thế nào ngay từ đầu vào phải công khai, minh bạch để tạo điều kiện bình đẳng cho mọi công dân có năng lực trình độ, có cơ hội như nhau được tuyển chọn vào bộ máy nhà nước. Đảm bảo người vào bộ máy nhà nước phải có năng lực thực sự, có trình độ cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội sớm trả “món nợ” cải cách tiền lương vì đã 2 nhiệm kỳ trình ra rồi lại rút về.

Không để chạy chọt

Về tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí tuyển chọn phải có thi tuyển cạnh tranh, không phải chạy chọt, xin xỏ, luồn lách, lợi dụng mối quan hệ quen biết.

“Phải tạo mọi điều kiện cho mọi công dân có cơ hội bình đẳng như nhau vào các cơ quan nhà nước”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đề cập đến việc thi nâng ngạch công chức, ông đề nghị Bộ Nội vụ xem xét việc thi cần rõ ràng, công khai, minh bạch, cái gì không phù hợp với thực tế phải quyết liệt sửa, không thể máy móc.

“Có cán bộ trong thực tiễn công tác rất giỏi nhưng viết lách không tốt, nên tiêu chí thi phải lựa chọn phù hợp giữa các phần viết, kỹ năng, vấn đáp…”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc đánh giá cán bộ, công chức, tỷ lệ phần trăm không hoàn thành nhiệm vụ phải chính xác.

“Báo cáo của các bộ ngành, địa phương, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ hết nhưng khi đưa ra QH, các ĐBQH không hài lòng vì cho rằng con số này không thật.”, ông đề nghĩ.