TTO - Trên thế giới này, có nhiều người vì lý do tôn giáo hay chữa bệnh, họ ăn chay trường. Hi hữu hơn, có không ít người thậm chí “kiêng” cả cơm gạo, chỉ ăn khoai sắn để tồn tại. Nhưng cả loài người, dù ăn lạt hay ăn mặn, tất tật đều cần đến hạt muối.
Có lẽ cũng vì thế mà suốt 2.000 năm nay, các thời đại nhà nước bên Trung Quốc liên tục độc quyền mua bán, phân phối mặt hàng muối (mới bãi bỏ việc này khoảng một tháng nay). Còn ở nước ta, mấy chục năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ ác liệt và thời kỳ tập trung bao cấp khó khăn gian khổ, cùng với những mặt hàng chiến lược như lúa gạo, xăng dầu, thuốc chữa bệnh... trong các kho dự trữ quốc gia luôn có mặt hàng muối ăn.
Về mặt sản xuất, trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, có lẽ nghề làm muối của diêm dân là khó nhọc, vất vả bậc nhất, bởi họ luôn đồng hành với nắng gió gay gắt vùng biển và độ mặn chát của hạt muối! Thế nhưng, phi lý thay, trái ngược với sự cần thiết đến mức không thể thiếu của hạt muối trong đời sống con người và sự thống khổ của những diêm dân làm ra hạt muối, giá muối cứ tuột dốc đến thảm hại.
Hiện tại, giá muối diêm dân bán ra chỉ từ 250 - 400 đồng/kg, dẫn đến công lao động của người làm muối và vận chuyển dù rất cực nhọc cũng chỉ có thể kiếm vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Trong khi nhiều người cho rằng lẽ ra chí ít giá mỗi ký muối cũng phải tương đương với một ly nước mía bình dân (5.000 đồng) thì giờ đây số tiền một ly nước mía ấy lại có thể đổi được tới mười mấy ký muối của diêm dân.
Điều đó cho thấy giá tiêu thụ muối của những diêm dân ở huyện Cần Giờ (TP.HCM), các tỉnh Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Nam Định... và cả “thủ phủ” muối lớn nhất nước là Ninh Thuận đang vô cùng rẻ mạt so với giá trị sử dụng và mồ hôi công sức mà hàng chục ngàn diêm dân phải đánh đổi.
Cảm thông những khó khăn, bất công của người làm muối, khoảng hơn tháng nay, nhiều địa phương và cơ quan báo chí đã liên tục phản ánh, kiến nghị với Chính phủ cần có giải pháp cứu nguy cho ngành sản xuất muối và bà con diêm dân.
Trong đó, giải pháp cần thiết và khả thi là Chính phủ thực hiện mua tạm trữ muối (như đã làm đối với lúa gạo) để hi vọng có thể đẩy giá muối lên phần nào, giúp diêm dân bớt khó khăn, thoát khỏi cảnh đường cùng!
Cũng là chuyện gây sốc cho bạn đọc báo chí nước nhà gần đây, trái ngược với đời sống khốn khó của người làm muối, đã “lộ diện” tình trạng quan chức công bộc của dân ở miền Tây Nam bộ xài siêu xe ôtô có giá từ 5-6 tỉ đồng/chiếc (tính ra mỗi chiếc xe tương đương với hơn 10.000 tấn muối mà bà con diêm dân đang phải bán rẻ mạt).
Giải thích việc này, ông cán bộ “cưỡi siêu xe” là phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết chiếc xe tiền tỉ ấy được “bạn cho mượn” (ước gì các diêm dân khốn khổ nói trên cũng có những người bạn vàng giúp đỡ họ như thế!). Hơn thế, dù có biển số trắng nhưng chiếc xe phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng còn được cơ quan chức năng quan tâm cấp thêm biển số xanh mà theo quan điểm của một luật sư ở TP Cần Thơ là hành vi phạm pháp.
Trong khi đó, 4 chiếc siêu xe Lexus với biển số xanh “tứ quý”, “lộc phát” khác thuộc sở hữu của cơ quan công quyền tỉnh Sóc Trăng thì được cho là mua bằng tiền xử phạt vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, dù giải thích cách nào thì dư luận cũng không thể đồng tình với việc cán bộ nhà nước, cơ quan công quyền tiêu xài hàng xa xỉ quá cỡ như thế, bởi nó trái với đạo lý đã là công bộc của dân thì phải “khổ trước dân, sướng sau dân” và chủ trương triệt để thực hành tiết kiệm của Đảng và Nhà nước.
Được biết, trường hợp ở Hậu Giang, người sử dụng siêu xe Lexus đắt tiền nguyên là cán bộ cấp vụ của một bộ được tăng cường “đi cơ sở” về làm phó chủ tịch UBND tỉnh nghèo bậc nhất ở miền Tây Nam bộ.
Ngoài chuyện dư luận ồn ào bây giờ sao có nhiều cán bộ “chơi sang thế” hoặc có người đối xử tốt với cán bộ có chức có quyền đến mức cho mượn lâu dài cả tài sản bạc tỉ, việc cán bộ mang theo siêu xe “đi tăng cường cơ sở” đã là câu chuyện khôi hài dân tình băn khoăn thắc mắc! Hơn nữa, thật khó có lý giải nào thuyết phục khi Chính phủ đã quy định các cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh (vị trí thấp hơn bí thư tỉnh ủy) chỉ được dùng ôtô có giá dưới 920 triệu đồng và không thực hiện đưa đón riêng từng người.
Đương nhiên, việc cán bộ hai tỉnh nghèo nhất đồng bằng sông Cửu Long - mỗi năm còn phải nhận trợ cấp từ trung ương hơn 50% tổng chi ngân sách và cũng nằm ở tốp khó khăn nhất nước về các chỉ số giáo dục, y tế, đời sống... - đi xe sang càng không thể là câu chuyện vui hay cần biểu dương như có người trong cuộc ngộ nhận!?