TTO - Vụ tai nạn chìm tàu Thảo Vân 2 chở 56 khách du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) đêm 4-6 như vẫn còn hằn nỗi khiếp sợ trên nét mặt những người được cứu sống.
Còn với 3 du khách bị thiệt mạng, trong đó 2 cháu bé Trịnh Kim Phượng (7 tuổi) và Trịnh Tiến Huy (4 tuổi) thì nỗi đau còn lại với gia đình không gì có thể bù đắp được.
Điều trớ trêu là chính con tàu Thảo Vân 2 này đã từng bị chìm khi chở 10 hành khách vào tháng 7-2014 trên sông Hàn. Rất may là số hành khách này đã được ứng cứu kịp thời. Vậy mà đã hai năm trôi qua, đến thời điểm này tàu Thảo Vân 2 dù chưa được cấp phép hành nghề chở khách du lịch nhưng vẫn hằng ngày xuất bến chở du khách ngược xuôi trên sông Hàn. Lạ một chỗ là tàu hành nghề trái phép và hằng ngày xuất bến chỉ cách đồn biên phòng và Cảng vụ Đà Nẵng 50m mà không bị phát hiện.
Chuyện tàu cá “hóa thân” thành tàu du lịch chở khách chui trên sông Hàn không phải là chuyện mới và dĩ nhiên ai cũng biết. Đề tài này đã từng làm nóng nghị trường trong cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng tháng 7-2015.
Ông Nguyễn Quốc Bình - phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng - đã bức xúc khi có ý kiến: “Hiện có 25 tàu gọi là tàu du lịch nhưng thực sự là tàu cá cải hoán. Tôi thử hỏi giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP nếu 25 chiếc tàu ấy chìm xuống thì ai chịu trách nhiệm? Biên phòng đã từng hai lần kịp thời ra kéo tàu Cát Tiên Sa bị chìm trong đêm. Mà nó chìm xuống thì ai nổi lên, trách nhiệm đó thuộc
về ai?”.
Và một năm trôi qua, những bức xúc đó dường như trôi vào quên lãng. Kết quả kiểm tra các phương tiện vận chuyển khách du lịch trên sông Hàn của đội cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng) cho thấy trong 30 tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn, có 22 tàu được cải hoán từ tàu cá và tàu hút cát.
Theo ông Lê Văn Trung - giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, trong số 30 tàu đăng ký tham gia dịch vụ vận chuyển khách du lịch, 27 tàu đã được cấp phép hoạt động, 3 tàu còn lại trong đó có tàu Thảo Vân 2 chưa được cấp phép.
Các cơ quan có trách nhiệm đã không kiên quyết lập lại trật tự giao thông đường thủy, làm tốt công tác để xảy ra tai nạn chìm tàu, chết người rồi mới ngồi lại kiểm điểm và quy trách nhiệm. Cho dù sẽ có một vài người bị cách chức vì thiếu trách nhiệm, nhưng người chết cũng không thể nào sống lại được và ngành du lịch Đà Nẵng đang chịu tổn thất nặng nề từ vụ chìm tàu này.
Theo các quan chức ngành giao thông vận tải Đà Nẵng, quy trình xuất bến tàu du lịch ở Đà Nẵng phải qua 4 bước. Khi tàu xuất bến thì cán bộ cảng vụ kiểm tra hành khách, sau đó sẽ trình báo với biên phòng kiểm mới cho xuất bến lần cuối.
Quy trình thì vậy, nhưng tại sao một con tàu cá được cải hoán như tàu Thảo Vân 2 đã hành nghề không dưới hai năm và đã một lần bị chìm, bán vé và chở gấp đôi số người cho phép mà các cơ quan chức năng ở ngay bên cạnh lại không biết đang là câu hỏi cần được trả lời sớm nhất.
Và nhân câu chuyện của Thảo Vân 2, giật mình khi điểm lại trong 5 năm qua, đã có 45 khách du lịch bị chết vì chìm tàu ở vịnh Hạ Long vào rạng sáng 17-2-2011, vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký ở Bình Dương tháng 5-2011, canô du lịch chở 30 khách từ Tiền Giang đi Vũng Tàu bị chìm ở Cần Giờ làm 9 người chết... Rồi chưa kể rất nhiều vụ sà lan đụng cầu lòi ra chuyện tài công không bằng cấp hay bằng dỏm... Rõ ràng, chuyện giao thông đường thủy đã đến lúc không thể nói cho qua chuyện.