VOV.VN -Bệnh viện K đã mời công an vào cuộc để làm rõ động cơ của người tung clip nữ bác sĩ Khoa Ngoại vú nhận phong bì.
Ai đã từng một lần vào bệnh viện hoặc có người thân, bạn bè phải nằm viện, sẽ thấu hiểu câu chuyện “đưa phong bì” trong bệnh viện là chuyện cơm bữa, chuyện thường ngày, chuyện quá bình thường. Đưa phong bì “cám ơn” bác sĩ như một luật bất thành văn mà nếu ai đó không có thì lại cảm thấy bứt rứt, không yên tâm.
Chính vì thực tế vào bệnh viện phải có người quen, phải có tiền nên nhiều người sợ bệnh viện. Người ta sợ không phải vì mình có bệnh, sợ quá tải, đông đúc mà vào viện sợ gặp phải những y tá, bác sĩ cửa quyền, hách dịch, quát tháo, vòi vĩnh bệnh nhân. Chính cảm giác này đã khiến nhiều người “bỏ lơ” việc chăm sóc sức khỏe, chỉ đến khi bệnh nặng mới tìm vào bệnh viện. Bệnh nặng thì lại phải trả nhiều tiền, bác sĩ cứu được thì phải cảm ơn “dầy” hơn… Cái vòng luẩn quẩn ấy là một trong những lý do khiến bệnh tật trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội.
Clip bác sĩ viện K nhận phong bì chỉ là một trong vô số lần nhận phong bì ở viện này nói riêng và trong các bệnh viện công nói chung. Nhìn cách bác sĩ thản nhiên, công khai nhận phong bì, đồng nghiệp đi qua cũng thản nhiên như chuyện của người khác thì đủ hiểu rằng, đây không phải là chuyện hiếm lạ ở viện này. Có chăng, chuyện hiếm lạ là bệnh nhân được điều trị, đối xử tử tế mà không mất một đồng lót tay nào với hộ lý, y tá đến bác sĩ.
Lãnh đạo bệnh viện K và nhiều bệnh viện khác có biết “vấn nạn” này đang sống khỏe trong bệnh viện của mình hay không? Chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần một lần các vị “vi hành”, ngồi với người nhà bệnh nhân thì sẽ hiểu nỗi thống khổ của họ mỗi lần đi viện và họ đang nhìn bệnh viện, nhìn bác sĩ với thái độ, tình cảm như thế nào.
Thế nhưng, thật khó hiểu, trong vụ việc này, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, bệnh viện đã mời Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA83), Công an Hà Nội vào cuộc để làm rõ động cơ của người tung clip nữ bác sỹ Khoa Ngoại vú, Bệnh viện K Trung ương nhận phong bì trên mạng xã hội.
Động cơ là gì ư? Điều này chỉ cần một người bình thường cũng hiểu, là vì người dân đã quá bức xúc vì tệ nạn phong bì trong bệnh viện. Người ta bảo “Vào K là ra Văn Điển”, có nghĩa là tìm đến bệnh viện này hầu hết là những con người “gần đất, xa trời”, mạng sống chỉ kể bằng ngày, tháng, ai có phúc thì tính bằng năm. Vậy mà nạn phong bì đâu có tha họ.
Đi tìm người tung clip để làm gì khi mà tất cả những nhân vật trong clip đều là người thực việc thực, đã được xác định là nhân viên của bệnh viện?
Và lúc này, nên đặt một câu hỏi ngược lại “Động cơ của bệnh viện khi mời công an vào cuộc tìm người tung clip là gì?”.
Còn một câu hỏi nữa: nếu tìm ra người tung clip thì Bệnh viện K sẽ làm gì họ? Họ, người tố cáo tiêu cực, chẳng qua chỉ là “bần cùng bất đắc dĩ” nói hộ hàng vạn người đã và đang, thậm chí là sắp phải vào viện điều trị. Trong bệnh viện có những đường dây nóng để tố giác các hành vi tiêu cực của y bác sĩ kia mà, chẳng nhẽ những “hotline” này chỉ để trang điểm cho có? Cứ mỗi hành vi tố cáo tiêu cực lại được mời công an vào làm rõ động cơ thì thử hỏi trong tương lai còn mấy ai dám tố cáo những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của nhân viên Bệnh viện?
Hy vọng, những lãnh đạo bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện K, hãy coi người dân, người bệnh chính là “tai mắt” của mình để giám sát, quản lý bệnh viện được tốt hơn. Vì trong viện, dù có lắp hàng nghìn camera, máy theo dõi thì vẫn có những “góc chết” để nhân viên y tế có hành vi tiêu cực với bệnh nhân. Vì thế, bệnh viện phải cảm ơn và khuyến khích người bệnh và người nhà cần tăng cường việc tố giác thì công tác quản trị bệnh viện mới mong hiệu quả hơn.
Vẫn biết, sau mỗi clip tố tiêu cực như vậy được đưa ra trước công chúng thì phong trào đưa –nhận phong bì sẽ đi vào bí mật, cẩn trọng hơn chứ chẳng thể dập tắt ngay được. Nhưng nếu lãnh đạo Bệnh viện lại xuê xoa, nuông chiều nhân viên giống như các ông bố, bà mẹ nuông chiều những đứa con hư thì muôn đời, cuộc vận động nói “Không” với phong bì, nâng cao y đức, hình ảnh thầy thuốc như mẹ hiền… chỉ là phong trào mang tính hình thức trong ngành y tế mà thôi.
Chuyện cảm ơn, cảm kích của bệnh nhân với người đã cứu sống mình là lẽ thường ở đời và không ai cấm việc bệnh nhân tự nguyện cảm ơn bác sĩ bằng vật chất. Thế nhưng, một luật bất thành văn đang tồn tại ở trong nhiều bệnh viện là có giá chung cho mỗi kíp mổ bao nhiêu tiền, bác sĩ chính bao nhiêu, phụ bao nhiêu, gây mê, gây tê thế nào… khiến nhiều gia đình vắt kiệt cả tài sản trong nhà để “cảm ơn bác sĩ”. Thử hỏi, nếu chuyện này còn tiếp diễn thì người bệnh sẽ “oán” hay “ơn” bệnh viện nhiều hơn?./.