Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Thưởng, phạt vì lẽ gì?

Nguyễn Huệ Nghi

(TBKTSG) - Câu chuyện dạy con của 13 phụ huynh Việt Nam đặt cạnh 13 phụ huynh Pháp cho thấy có những khác biệt phát xuất từ văn hóa truyền thống nhưng cũng có những điều có nguyên do từ thực tại đời sống. Những ông bố bà mẹ Việt Nam đang dạy dỗ con theo kiểu tình huống, thiếu tính mục đích.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục - IRED) trong cuộc khảo sát “Nghiên cứu so sánh nhận thức của phụ huynh về con trẻ, mục tiêu và phương thức thực hành giáo dục gia đình giữa Pháp và Việt Nam hiện nay” đã đưa ra góc nhìn trên. Từ đó, soi chiếu vào thực tiễn, chúng ta có thể nhận ra nguyên do của việc thiếu tính tự chủ, cá nhân trong đời sống, một phần có nguyên nhân từ giáo dục gia đình.

Chỉ lấy riêng câu chuyện thưởng phạt con, có thể thấy một sự khác biệt lớn về tính mục đích. Đứa trẻ được cha mẹ chúng thưởng khi nào? Phụ huynh Pháp sẽ thưởng khi con có một hành vi tốt trong đời sống, trong khi đó phụ huynh Việt sẽ thưởng khi con đạt một thành tích gì đó trong việc học hành. Từ đó, bệnh thành tích không đơn thuần chỉ có ở nhà trường, mà còn ở sự “cộng hưởng” tâm lý của giáo dục gia đình và giáo dục học đường. Nếu thưởng một đứa trẻ từ hành vi tốt trong đời sống, đứa trẻ sẽ được khuyến khích để chủ động tạo ra nhiều ứng xử đẹp với tha nhân, còn nếu thưởng chúng vì thành tích học hành, thì mục đích của chúng chỉ tập trung vào việc học và học. Người lớn ngầm gieo vào đầu chúng tư duy đỗ đạt là thành công, ngược lại giảm sút trong học hành là thất bại. Và cũng từ đây, quan niệm thành công, thất bại trong cuộc đời một con người được đánh giá qua việc người đó có bằng cấp cao thế nào, đạt được vị trí quan trọng ra sao trong xã hội.

Trong khi đó, những cha mẹ dạy con hành vi tốt sẽ hướng con đến cách nghĩ thành công là khi ta sống đời sống hướng đến thứ hạnh phúc mà ta chọn lựa, thanh thản vì phục vụ tha nhân, phụng sự xã hội. Hạnh phúc là sống được cho điều mình muốn, mình chọn, mình thấy thế là tốt chứ không phải là đáp ứng một thước đo về sự thành đạt mà người khác đưa ra.

Một xã hội học tập, có thể được tạo ra từ tiêu chí giáo dục ở nhà trường và cách dạy con của phụ huynh Việt Nam. Nhưng xã hội đó sẽ đầy áp lực cạnh tranh bởi sự học lúc bấy giờ là một cuộc đua hình thức không ngừng nghỉ, con người ít thấy niềm hạnh phúc hiếu tri mà chỉ cảm nhận rõ sự cưỡng bức, phải đáp ứng nhiệm vụ để có vị thế xã hội, để đổi đời hay được người khác tôn trọng hơn. Điều này cho thấy sự thiếu vắng nhu cầu tự giác, tự thân của người học, không chạm tới giá trị sâu xa của giáo dục.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra thực tế những phụ huynh Việt Nam thích dùng hiện vật (đồ chơi, quà tặng) con yêu thích để tưởng thưởng cho con cái, khác với phụ huynh Pháp, họ thường thưởng con bằng sự khích lệ nhiều hơn. Trong trường hợp một đứa trẻ phạm sai lầm, phụ huynh Việt Nam thường đánh đòn, la mắng nhưng thiếu giải thích và hướng dẫn. Sự trừng phạt theo cảm xúc áp đặt khiến đứa trẻ không được thuyết phục và có nguy cơ tái phạm. Trong khi đó, phụ huynh Pháp sẽ sử dụng biện pháp đối thoại để nói cho đứa trẻ biết chúng đã mắc lỗi gì, nguyên tắc khi phạm những lỗi như thế thì tự giác nhận hình phạt như thế nào.

Tính mục đích trong thưởng phạt trong nhà và ngoài xã hội ở Việt Nam vẫn đậm áp đặt từ trên xuống hơn là tác động vào nhận thức của cá nhân, bởi não trạng chung, của một xã hội mà ở đó những bài học quản trị không có chương nào dành cho sự tôn trọng cá nhân, mà chỉ có mệnh lệnh. Bởi ngay từ gia đình, những đứa trẻ chưa được hiểu đầy đủ như một chủ thể duy biệt và chủ động.

Điều phi lý là, chính những phụ huynh Việt Nam cũng phản ứng chuyện thưởng phạt trong nhà trường, ngoài xã hội căn cứ trên thành tích là hình thức, là không hợp lý, nhưng họ cũng vướng vào vòng luẩn quẩn đó.

Tính mục đích trong giáo dục một khi bị xem nhẹ mà chỉ hướng đến những giải pháp tình huống, thì chúng ta sẽ tạo ra những người tốt nhất thời, tốt khi bị người khác giám sát chứ không phải là những cá nhân chủ động, dám sống, xác tín vào những điều mình chọn lựa dựa trên trách nhiệm, tình yêu thương và phụng sự nhân quần.

Còn nhiều sự khác biệt nữa trong bản điều tra xã hội học này. Tuy nhiên, chỉ riêng câu chuyện thưởng, phạt và tính mục đích giáo dục, chúng ta có thể suy ngẫm và cắt nghĩa cho rất nhiều vấn đề mà thực tế đặt ra.