Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Cả họ làm quan: Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ

(PL)- Gần đây rộ lên chuyện họ hàng cùng làm quan ở một số xã, huyện gây phản cảm trong dân chúng. Đến khi dư luận lên tiếng, báo chí phỏng vấn thì những người có trách nhiệm đều trả lời rằng “đúng quy trình, do lịch sử để lại, do ngẫu nhiên”!

Như trong tuần qua, dư luận xôn xao về một xã ở tỉnh Hậu Giang và Long An có tình trạng nhiều cán bộ trong xã là anh em, bà con với nhau. Trước đây, ở xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An) có hơn 20 người là anh em, họ hàng với chủ tịch xã và bí thư xã cùng làm lãnh đạo. Hay ở Trường Mầm non Ngũ Đoan (Kiến Thụy, Hải Phòng) có 27/40 cán bộ, giáo viên quan hệ thân thích với hiệu trưởng trường này, trong đó có 16 người là họ hàng ruột thịt với cô hiệu trưởng và 11 người là bà con xa trong họ với cô hiệu trưởng. Mọi người còn nhớ ở Mỹ Đức (Hà Nội), việc “cả họ làm quan” được những người có thẩm quyền khẳng định là không có gì sai cả.

Một đại biểu Quốc hội khóa trước cũng nhìn nhận: Tình trạng cả họ làm quan đã lác đác xảy ra ở nhiều nơi. Không chỉ cấp xã mà cả cấp huyện cũng có. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp này đã đưa con em mình vào bộ máy, gây dư luận trái chiều.

Trong một đơn vị có nhiều cán bộ là anh em, bà con thì ắt sẽ có nể nang, ảnh hưởng đến giải quyết công việc. Chả thế mà pháp luật tố tụng đã nghiêm cấm những người thân thích với nhau được tham gia giải quyết trong một vụ án nhằm bảo đảm tính khách quan, công tâm. Có lẽ đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động về việc lạm dụng cụm từ “đúng quy trình” mà báo chí phản ảnh.

Cũng có nhiều người biện hộ rằng tình trạng này do nước ta là một nước chưa phát triển, còn mang nặng tư tưởng phong kiến nên khó tránh khỏi tình trạng lãnh đạo trong một xã, một cơ quan có nhiều người là họ hàng thân thích. Tư tưởng “con ông cháu cha” còn nặng nề lắm.

Tuy nhiên, không thể cứ đổ cho tàn dư của phong kiến được. Vì ngay thời phong kiến, Luật Hồi tị triều Nguyễn đã quy định: “Quan không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai trị; quan không được lấy người cùng quê làm trợ thủ; người có quan hệ thầy trò, anh em ruột, anh em con chú, con bác và bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở; cấm các quan đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh…”.

Còn thời nay, để tránh tư tưởng cục bộ địa phương, dòng họ, anh em, Đảng ta cũng đã có chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo từ địa phương này sang địa phương khác, nhất là các đồng chí đứng đầu một tỉnh, một huyện. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng không muốn con, cháu hay người nhà mình làm cùng cơ quan mà mình là người đứng đầu. Có đồng chí khi lên làm thủ tướng đã đình chỉ ngay quyết định cử con trai tham gia một chức vụ ở tổng công ty dầu khí, hoặc yêu cầu con trai rút khỏi chức vụ lãnh đạo một công ty tư nhân. Song việc này không nhiều.

Điều đáng nói là Luật Viên chức chỉ yêu cầu việc tuyển dụng phải “bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật; bảo đảm tính cạnh tranh; tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm...” chứ luật không cấm tuyển dụng các đối tượng là người thân của thủ trưởng đơn vị. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng chỉ quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” chứ không quy định những người họ hàng, bà con của người đứng đầu không được làm việc trong cơ quan, tổ chức.

Qua những việc báo nêu, nhiều chuyên gia kiến nghị cần phải tổ chức thi tuyển và bầu cử người vào các chức danh một cách công khai và minh bạch. Mặt khác, cần sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật khác nhằm tránh tình trạng “cả họ làm quan”. Trường hợp qua thi tuyển mà “ngẫu nhiên” có nhiều người trúng tuyển đều là họ hàng thân thích với nhau thì nên điều chuyển đến nơi khác làm việc chứ không nên để công tác ở địa phương của họ.