Petrotimes - Không phải nguyên thủ nào cũng có thể hoàn thành tốt “vai diễn”, bởi lẽ muốn làm diễn viên giỏi thì cũng phải có khiếu, có tài và có tầm văn hóa cao...
Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam.
Ông đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người dân Việt. Chưa nói đến những quyết định quan trọng mà ông đã công bố đối với Việt Nam, mà người dân yêu mến ông bởi những bài phát biểu sinh động, chân thực và đậm chất văn hóa.
Người dân cũng rất yêu mến ông bởi tác phong giản dị, gần gũi, cởi mở và có cảm giác giữa ông và dân không có khoảng cách.
Ông đã thể hiện được đầy đủ những phẩm chất của một chính khách hàng đầu thế giới.
Nhiều người yêu quý ông, khen ngợi ông không phải về những gì “to tát”, “vĩ mô”… mà về những hành động, những việc làm hết sức “bình dân” như tháo nhẫn khi bắt tay; là về chuyện vào quán ăn bún chả; là dừng xe giữa đường để… mua cốm Vòng.
Mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười, mỗi lời nói của ông đều được “săm soi”, bình phẩm.
Không ai có thể chê trách được ông điều gì. Và thực sự, cách ứng xử của vị nguyên thủ quyền lực nhất thế giới đáng để cho những người đang làm chính trị, hay chuẩn bị làm chính trị ở Việt Nam suy ngẫm.
Nhưng nếu đi sâu vào những “tiểu tiết”, thì mới thấy ông không chỉ là một chính khách mà còn là một “diễn viên” siêu hạng.
Người không hiểu sẽ hết sức tò mò và đặt câu hỏi: “Người ta bố trí cho ông ăn bún chả thể nào nhỉ?” rồi “Người ta bố trí cho ông mua cốm thế nào nhỉ”?...
Xin thưa, các bạn phải biết rằng một khi nguyên thủ quốc gia hoạt động - đặc biệt là trong các chuyến công du nước ngoài - thì vị nguyên thủ ấy phải thực hiện theo những kịch bản đã được sắp xếp cực kỳ chi tiết, cụ thể, và từng hành động, cử chỉ, từng lời nói, thậm chí màu bộ comple, màu chiếc cravat… cũng đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.
Nói một cách hơi trần trụi thì vị nguyên thủ ấy sẽ phải hành động như một diễn viên và buộc phải diễn theo những kịch bản đã được chuẩn bị, mà chính vị nguyên thủ là… tác giả của một phần lớn kịch bản.
Về góc độ an ninh thì chính vị nguyên thủ buộc phải chấp hành nếu không nói là phải tuân theo các quy định của cơ quan bảo vệ. Cơ quan an ninh không bao giờ “nhân nhượng”, nếu như có tình huống đột xuất xảy ra ngoài kịch bản. Và họ cũng không bao giờ để cho vị nguyên thủ “tự do quá khuôn khổ”.
Không làm gì có chuyện vị nguyên thủ “tùy hứng” vào quán ăn mà xung quanh mình không biết khách khứa là người thế nào.
Không làm gì có chuyện nguyên thủ như Tổng thống Mỹ vào quán ăn mà nước uống, thực phẩm từ miếng thịt, sợi bún, cọng hành… không được kiểm tra hết sức cẩn trọng.
Chắc chắn rằng, trước đó, nhân viên an ninh của Việt Nam và Mỹ sẽ phải “soi” từng “xăng ti mét” hàng quán này; kiểm tra an ninh từng chiếc… công tắc điện… Và chắc chắn, miếng thịt nướng ông Obama ăn, không phải là thịt lợn mà bà chủ quán mua ngoài chợ. Giọt nước mắm để pha nước chấm cho ông, chắc chắn được một phòng xét nghiệm nào đó đã kiểm tra…
Tôi cam đoan với bạn đọc rằng, nhưng vị khách ngồi ăn bún chả cùng Tổng thống Obama hôm vừa rồi thì tất cả là nhân viên an ninh, được cả phía Việt Nam và Mỹ chọn lựa… Một tay chạy xe ôm, một gã cửu vạn nào đó đừng có mơ chuyện bén mảng được tới gần quán, chứ chưa nói đến chuyện ngồi ăn cùng phòng.
Lực lượng cảnh vệ, an ninh luôn có nguyên tắc của họ, mà nguyên tắc đó là không bao giờ được tin về những người chưa… xác minh. Không được tin bất cứ những gì mà nguyên thủ sẽ sử dụng, nhưng chưa được kiểm tra.
Luôn phải làm theo các kịch bản đã được chính mình và các cơ quan chức năng xây dựng - nguyên thủ là vậy đấy.
Chỉ có điều là không phải nguyên thủ nào cũng có thể hoàn thành tốt “vai diễn”, bởi lẽ muốn làm diễn viên giỏi thì cũng phải có khiếu, có tài và có tầm văn hóa cao.