Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Động cơ của quyền được biết

Theo Quốc Nam - Một Thế Giới

Người Đô Thị - "60 phút mở" của VTV do nhà báo Tạ Bích Loan chủ trì là một chương trình thu hút người xem cả nước. Clip mà VTV đưa lên trang của mình, mạng xã hội hay YouTube với động cơ gì thì cũng là chia sẻ thông tin. Nhưng nó đã bị rút xuống sau khi cộng đồng mạng phản ứng mà không biết vì động cơ gì?

Hôm nay 31.5, một facbooker đã chia sẻ trên trang  cá nhân một bản tin liên quan đến 3 em học sinh đã mất vì đuối nước ở trường Tiểu học Suối Khiết, Tánh Linh, Bình Thuận về quyết định đầy nước mắt của hiệu trưởng trường này khi tặng giấy khen cho cả 3 em.

Chiều ngày 17.5, Lâm Văn Quang (10 tuổi) cùng hai em ruột là Lâm Thị Huyền (8 tuổi) và Lâm Văn Huy (6 tuổi) rủ nhau ra hồ nước cách nhà khoảng 200m để tắm. Ba má các cháu ở trong căn chòi nghèo làm thuê. Chuyện cháu bé chết thương tâm này được các nhà báo như ông Hiển chia sẻ trên facebook, từ đó mà những tấm lòng thương yêu hướng về, gom góp lại từng đồng tiền giúp đỡ gần 1 tỷ đồng vào ngày 29.5. Các bạn học của các em cũng khó khăn, xin ba má người 2.000 đồng, có em 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng. Từ tấm lòng đồng loại trên mạng xã hội, ngoài đời thực mà nhà trường đã trao giấy khen cho các em.

Báo PL TP.HCM ngày 31.5 có đăng: "Ban giám hiệu nhà trường đã đến nhà ông nội của ba học sinh xấu số, nơi đặt di ảnh của 3 em công bố kết quả học tập của từng em và trao giấy khen cho gia đình. Cả ba em đều được “lên lớp”, trong đó Huy xếp hạng trung bình, Huyền xếp hạng học sinh tiên tiến và Quang đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Gia đình đã nghẹn ngào khi được nhận giấy khen cho thành tích học tập của các con dù mâm cơm gia đình cả chục ngày nay đã xa rồi không còn tiếng cười giỡn giòn tan của mấy đứa trẻ. Phút mặc niệm ở buổi lễ tổng kết đã gây xúc động mạnh mẽ, việc dám “xé rào” quy định đến tận bàn thờ trao giấy khen cho những học sinh đã không còn nữa của Trường Tiểu học Suối Kiết là một quyết định nhân văn không phải trường nào cũng làm được". 

Động cơ của sự chia sẻ như thế là để đưa yêu thương về thuốc thang nỗi đau, bất cứ sự chia sẻ nào như thế cũng khích lệ người ta sống tốt hơn, ý nghĩa hơn với cộng đồng xung quanh. Bộ TT&TT những năm gần đây đánh giá cao môi trường internet của Việt Nam phát triển với hàng chục triệu người sử dụng, đánh giá cao mạng xã hội nhưng cũng không ít nghi ngại trước thông tin không chuẩn xác được đưa ra.

Trên thực tế, lời nói phát ra từ mỗi cá nhân hằng ngày nhiều khi, nhiều nơi cũng chưa thật sự chính xác với sự kiện diễn ra, cũng không ít các bài báo trên các tờ báo dính nhiều sai sót phải đính chính và bị phạt nặng bởi Bộ TT&TT. Và VTV cũng không nằm ngoài việc này khi mới đây nhất bị phạt 50 triệu đồng với phóng sự đăng trên đài quốc gia "dùng chổi đâm rau" khiến nông dân một phen điêu đứng.

VTV không phải lần đầu tiên sai sót như thế, từ vụ "Lượm" của mấy năm trước, rồi vợ chồng cô bé mù trong "Điều ước thứ 7", đến dùng cờ trong tin thời sự hoặc tên tuổi của những chính khách... thật nhiều vấn đề.

"60 phút mở" đã tạo nên một làn sóng trái chiều mà có lẽ nhà báo Tạ Bích Loan không lường trước khi dùng clip của đồng nghiệp là 2 con cá chết trong cảnh nước biển Vũng Áng nhiễm độc ở lúc cao điểm cá chết kéo dài 4 tỉnh miền Trung. MC Phan Anh đưa ra trên trang cá nhân rằng không hề biết trước kịch bản và bảo vệ quan điểm chia sẻ clip của VTC là nhu cầu cần thiết.

Các nhà báo ở bắc miền Trung tin vào phóng sự của phóng viên VTC, nó không phải làm giả từ nguồn nước và 2 con cá, nhưng phương pháp khoa học trực quan không đầy đủ khiến dấy lên làn sóng phản ứng ngược. Nhưng đến nay VTC cũng không gỡ phóng sự đó khỏi các tài khoản của mình trên mạng internet. 

Trong bối cảnh gần 2 tháng cá biển chết hàng loạt không có một kết luận khoa học nào đưa ra thì câu hỏi "chia sẻ để làm gì?" là một câu hỏi không phải nhắm vào một MC điển trai, mà còn nhắm vào cộng đồng mạng đang đau đáu với người dân miền Trung một câu hỏi đơn giản mà chưa hề có trả lời: "Vì sao cá chết?". 

"Chia sẻ để làm gì?" cũng xát vào nỗi đau của ngư dân miền Trung, của người sống bám víu vào biển, của người sống bằng dịch vụ du lịch biển, của con em dọc dài miền Trung từng nương tựa vào nhau, keo sơn với nhau ở phía biển thì nay lại càng liêu xiêu hơn khi nghe câu hỏi ráo hoảnh đó. 

Người miền Trung lúc này thật tổn thương từ tiếng thèm miếng cá, đến nhớ biển, đến thiếu thốn trước mắt, khó khăn lâu dài, tổn thương cả nhu cầu lao động để mưu sinh cho con cái, cho cha mẹ được bữa ăn tuổi già... thật khó lòng nuốt trôi được câu hỏi như thế.

Vị tiến sĩ được mời đã thốt lên rằng việc chia sẻ đó vì "nhu cầu quyền lực" mà quên đi khái niệm bao quát hơn, rộng lượng hơn cách ông ấy tư duy, ấy là lòng trắc ẩn, tình thương yêu và sự mong muốn nhanh chóng bạch hóa thông tin nguyên nhân cá chết để có phương án bền vững, dài lâu cho 4 tỉnh miền Trung thiệt hại quá lớn và quá khốc liệt.

"Chia sẻ để làm gì" là một câu hỏi không giải quyết được mối lo ngại của dư luận xã hội với ngư dân miền Trung, nó như một thứ bùi nhùi tăng thêm sự bất an trong mỗi cá nhân khi nghĩ về các làng biển vùng gần bờ đang gác thuyền trên cát. Câu hỏi đó thổi bùng lên dư luận hỏi ngược lại: "Hỏi như thế để làm gì? Hỏi như thế để bịt lối thông tin?". Bởi khi không đưa thương yêu đến để sẻ chia thì không nên làm bất cứ ai tổn thương trong dâu bể mất mát.