Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Vụ áp thuế 5,7 tỉ đồng & những “ông vua con” “cửa quyền, hách dịch”

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Đây không chỉ là những kẻ “cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân” mà còn “có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Gần một năm trời (7/2015 – 6/2016) với xấp xỉ 60 bài báo cùng hàng chục ý kiến của luật sư và các nhà chuyên môn, hàng ngàn thư của bạn đọc gửi về báo điện tử Dân trí. Thủ tướng Chính phủ phải gửi công văn yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc. Bộ Tài nguyên & Môi trường thành lập đoàn công tác do Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai dẫn đầu trực tiếp giải quyết…

Đó là những gì xảy ra xung quanh vụ đè nén, ức hiếp người dân của chính quyền huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đối với gia đình cụ bà Đàm Thị Lích.

Và một tin vui đã đến, Bộ Tài nguyên & Môi trường sau một thời gian ngắn kiểm tra đã kết luận: Áp thuế 0 đồng, khẩn trương cấp sổ đỏ cho bà Lích.

Để bạn đọc tiện theo dõi, có lẽ cũng nên nhắc lại đôi nét về sự việc.

Cách đây khoảng nửa thế kỉ, gia đình cụ bà Đàm Thị Lích (Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã đổ mồ hôi, công sức khai phá mảnh đất hoang hóa rộng gần 4.000 m2 (3.925m2). Sau ngày đất nước thống nhất (1975), gia đình bà vẫn tiếp tục canh tác trên mảnh đất này đến năm 1986 thì góp vào hợp tác xã nông nghiệp, gia đình bà được cấp 750m2 (sau do mở rộng đường, còn lại 610m2).

Ngày 18/12/1993, UBND huyện Đức Trọng ban hành quyết định số 419/QĐ - UB công nhận lô đất thổ cư có diện tích 610m2 của gia đình cụ Lích.

Song, không hiểu tại sao khi gia đình cụ Lích tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ để cấp quyền sử dụng đối với lô đất thổ cư 610m2 thì chính UBND huyện Đức Trọng lại ra quyết định không cấp toàn bộ 610m2 đất thổ cư cho gia đình cụ Lích mà chia thành hai lô, một lô 253,9m2 đất thổ cư (nhưng yêu cầu nộp tiền sử dụng đất 5,7 tỉ đồng) và 310m2 còn lại là đất nông nghiệp.

Sau khi nhận được phản ảnh từ báo Dân trí, ngày 13/5/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo, giao cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai dẫn đầu đoàn công tác ngay ngày 14/5 phải trực tiếp vào làm việc với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra sự việc.

Và chỉ đúng 2 tuần sau ngày Bộ trưởng Hà chỉ đạo (13/5 – 27/5), một tin vui đã đến với gia đình cụ Lích. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình cụ Lích trong thời hạn 10 ngày.

Giờ đây, “niềm vui đã vỡ òa” như lời cụ Lích.

Song, câu hỏi đặt ra là tại sao lại để xảy ra sự việc oan khuất này? Ai phải chịu trách nhiệm về những nỗi gian nan, oan ức mà gia đình cụ Lích phải gánh chịu nhiều năm qua?

Ai phải chịu trách nhiệm để đến mức Thủ tướng phải có công văn, Bộ trưởng phải cho thành lập đoàn công tác?

Và nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ Dân trí qua gần 60 bài báo (tương tự vụ 194 Phố Huế, báo Dân trí phải đăng tải hơn 80 bài mới đưa được “ông vua con” Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ra vành móng ngựa và đã bị TAND TC tuyên án), sự cộng tác của các luật sư, đặc biệt là sự chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ TN&MT cùng với hàng ngàn ý kiến đúng lý, đúng tình từ bạn đọc thì sự việc sẽ ra sao?

Thậm chí, nhiều bạn đọc còn đặt câu hỏi có hay không mưu đồ “cướp đất” của gia đình cụ Lích?

Tóm lại, những cán bộ công chức để xảy ra vụ việc này, nếu do năng lực yếu kém thì cần phải cho nghỉ việc. Nếu như có “mưu đồ” như ý kiến một số bạn đọc thì cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật bởi đây không chỉ là những kẻ “cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân” mà còn “có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 27/5 vừa qua.

Dư luận còn chờ đợi sự nghiêm minh “bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sai phạm thì xử lý theo tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm không loại trừ một ai” như lời cam kết của Bộ trưởng Trần Hồng Hà khi lập đoàn công tác ngày 13/5 nói trên, phải không các bạn?