Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Xử lý "nhổ nước miếng": Hà Nội khó, Đà Nẵng tự tin

Thu San

Đất Việt - Hà Nội cho rằng phải xử phạt thật nặng; Đà Nẵng tự tin chỉ dùng biện pháp tuyên truyền sẽ xử lý được quốc nạn này.

Cần có công an vào cuộc

Liên quan tới mong muốn thành lập liên bộ xử lý quốc nạn "nhổ nước miếng"... của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, ngày 8/5, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du Lịch Hà Nội cũng bày tỏ rất muốn được tham gia cùng xử lý vấn nạn này.

Vì liên quan tới nếp sống văn hóa, đạo đức con người, Hà Nội sẽ tham gia với tư cách ủy viên thường trực. Theo ông Động, hành vi này cũng đã được đề cập trong Quy tắc ứng xử của thành phố nên đây cũng được coi là vấn nạn chung.

Cá nhân ông cũng từng gặp phải những tình huống rất phản cảm như vậy. Theo ông cho biết, chốn công cộng rất nhiều vấn đề phức tạp, "người thật việc ngay vẫn sợ kẻ gian", nên có bức xúc ông cũng chỉ lườm nguýt rồi bỏ đi.

Vì vậy, dù luôn đề cao mục tiêu của Bộ Quy tắc ứng xử, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhưng ông Động cho rằng, hành vi này cần phải được xử phạt thật nặng để răn đe.

Tuy nhiên, vấn đề xử phạt phải theo quy định xử phạt hành chính. Đó là chưa nói, riêng việc bắt được người để phạt cũng đã vô cùng khó, ... nếu không bắt được đối tượng nhổ nước bọt lúc đó sẽ phải xử phạt ai? Xử người nhổ hay bãi nước miếng?. Trong trường hợp người nhổ cãi thì phải đem bãi nước miếng đi xét nghiệm ADN hay sao? Như vậy thì chi phí còn tốn kém hơn rất nhiều. Trong trường hợp đó, có cần hỗ trợ thiết bị chụp ảnh, quay hình hay không?...

Ngoài y tế, văn hóa, giao thông ông Động cho rằng nó còn liên quan tới cả công an nữa mới có thể thực hiện được.

Do đó, khi đề ra một chủ trương cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.

Đà Nẵng tự tin

Trong khi Hà Nội gặp khó khăn và bày tỏ phải nhờ tới công an để xử lý quốc nạn "nhổ nước miếng", ông Trần Quang Thanh - Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa thể thao du lịch Đà Nẵng lại tỏ ra tự tin sẽ đạt kết quả với việc tuyên truyền.

Khẳng định, hành động khạc nhổ là thiếu văn minh, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường do đó việc xử lý hành vi này là cần thiết.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này theo ông Thanh cần phải đặt nó nằm trong đề án tổng thể của từng địa phương, để có giải pháp xử lý cho phù hợp.

Ví dụ ở Đà Nẵng, hành vi này sẽ được đặt trong chủ trương văn hóa, văn minh đô thị của thành phố. Cốt lõi là công tác vận động, tuyên truyền, việc xử phạt sẽ do phía các cơ quan pháp luật thực thi.

Thứ hai là có sự ủng hộ của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xử lý nạn nhổ nước miếng cũng phải như xử lý các hành vi không xả rác ra đường, tệ nạn rao vặt, tờ rơi...

Vậy giải pháp là gì? Thứ nhất, chỉ đạo tới từng tổ dân phố, để họ tự quản lý, giáo dục các hộ dân của mình. Tất cả phải được thẩm thấu dần dần mới mong có hiệu quả.

Thứ hai, đối với những đối tượng dễ có hành vi xấu như học sinh, trường học, nơi công cộng cần phải có biện pháp cùng nhà trường, phố, phường phối hợp thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở ngay và thường xuyên.

Một ví dụ với hình thức xử lý tờ rơi, ngoài vận động doanh nghiệp không quảng cáo theo hình thức đó, còn xây dựng những bảng hiệu để họ dán quảng cáo. Trong trường hợp không thực hiện sẽ cắt số điện thoại vĩnh viễn trên tờ quảng cáo. Đồng thời xử phạt người dán quảng cáo và thưởng cho người dám tố cáo. Mức thưởng từ 200.000 đồng tới 500.000 đồng. Như vậy sẽ khuyến khích người dân làm theo chủ trương của thành phố.

Tại sao ông Thanh lại có được sự tự tin như vậy vì theo ông Đà Nẵng vẫn là một trong ít những thành phố còn giữ được những hành động đẹp, mang tính nhân văn cao trong đời sống hàng ngày.

Ví dụ, nếu có vụ tai nạn cộng đồng dân cư quanh đó sẽ lập tức đến nâng đỡ, giúp nạn nhân. Các đối tượng gây tai nạn cũng không bị đối xử như người có tội. Họ vẫn tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.

Đó là lý do khiến ông tự tin cho rằng nếu gặp trường hợp nhổ nước miếng ông sẽ không ngần ngại nhắc nhở và phân tích hành vi đó là sai trái, không phù hợp với chủ trương năm văn hóa, văn minh đô thị.

Về phía TP.HCM ông Lê Tôn Thanh - Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án sẽ xử phạt hành vi này.

Ông Thanh cho rằng, đó là hành vi ai cũng bực mình, ai cũng không đồng tình nhưng xử lý thế nào thì phải tính. TP.HCM mặc dù không nhiều nhưng đó cũng là hành vi thiếu văn hóa, cần phải chấn chỉnh.