Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Khi lỗi lầm không thể che giấu

Phạm Trung Tuyến

Khám Phá - Một môi trường minh bạch sẽ giúp, hoặc buộc chúng ta phải đàng hoàng chững chạc.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc sĩ quan công an Nguyễn Văn Bắc bắt tay xin lỗi cô gái đã bị anh ta cư xử không đúng mực là một hình ảnh mang tính biểu tượng, vì nó đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về mối quan hệ giữa cảnh sát và nhân dân. Đó là bức ảnh được phóng viên zing.vn ghi lại trong buổi xin lỗi xin lỗi công khai tại công an phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội ngày hôm qua. Bốn ngày sau khi trung úy Nguyễn Văn Bắc nhổ nước bọt vào mặt một người dân.

Một bức ảnh đẹp về nội dung, thể hiện hình ảnh đàng hoàng, chững chạc của người chiến sĩ công an khi đối mặt với người dân đã tố cáo mình, đối diện với sai lầm của mình, chìa bàn tay và nhận lỗi một cách thẳng thắn. Hình ảnh ấy mang lại niềm tin cần thiết của công chúng đối với một lực lượng vốn có sứ mệnh gìn giữ và đảm bảo an ninh của xã hội.

Niềm tin ấy vốn đã hư hao rất nhiều trong suốt nhiều năm qua khi khuôn của mặt người dân là nơi đón nhận những sai lầm của cảnh sát. Đó là khuôn mặt người bảo vệ ở Gia Lai sưng tím sau cú đấm của một phụ huynh, là cảnh sát. Đó cũng là khuôn mặt đầy máu me của những cậu bé quên đội mũ bảo hiểm và nhận dùi cui của cảnh sát giao thông. Là khuôn mặt uất ức của cô gái sau khi bị anh công an khu vực bực mình phun nước bọt. Đó là những khuôn mặt không còn niềm tin khi những sai lầm của cảnh sát bị lấp liếm bởi những lời giải thích quanh co và hành động xin lỗi không rõ ràng.

Điều đáng tiếc trong bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tại trụ sở Công an phường Trung Liệt là khuôn mặt cô gái được xin lỗi bị xóa mờ khi công bố trên báo. Bởi nếu không bị xóa mờ, tôi tin rằng đó sẽ là một khuôn mặt nhẹ nhõm vì nỗi âu lo được trút bỏ.

Trước đó, hẳn cô gái đã có những thời khắc nặng nề không yên. Làm sao mà yên lòng khi những lời tố cáo hành vi sai lầm của người khác lại không được thừa nhận. Bởi khi sai lầm bị giấu giếm, những lời tố cáo sẽ luôn phải trả giá.

Người sĩ quan công an đã thừa nhận sai lầm của mình, một cách đàng hoàng, đối diện thẳng thắn, và công khai trước ống kính phóng viên. Đó là một hình ảnh xác lập niềm tin.

Lỗi lầm, khi còn ở trong bóng tối tức là vẫn còn sống, nó có thể trở thành tội ác khi người ta còn muốn che giấu nó. Nhưng khi lỗi lầm được minh bạch, lỗi lầm là lỗi lầm, là chuyện đã qua và không còn khả năng để chuyển hóa thành bất cứ điều gì.

Hình ảnh một người sĩ quan công an xin lỗi công dân có thể sẽ chỉ là một hình ảnh, và không gì đặc biệt. Nhưng hình ảnh đang được nói đến, với hành trình của nó, chắc chắn là một khoảnh khắc đặc biệt bởi không phải tự nhiên mà có được. Nó là kết quả của một quá trình thay đổi nhận thức.

Bốn ngày sau khi nhổ nước bọt vào mặt người dân, trung úy Nguyễn Văn Bắc mới thực hiện hành động xin lỗi. Bốn ngày, đó không phải là một khoảng thời gian quá dài trong cuộc đời, nhưng là một quá trình không hề ngắn để một lời xin lỗi có thể được nói ra. 

Anh công an đã không xin lỗi ngay sau khi mắc sai lầm với dân. Bởi anh ta nghĩ hành vi đáng xấu hổ đó của mình sẽ không ai biết.

Anh công an đã không xin lỗi một ngày sau đó. Bởi anh nghĩ hành vi của mình dẫu bị tố cáo nhưng sẽ được bao che. Thực tế đã có sự bao che trong những phát biểu của cấp trên anh ta.

Anh công an đã không xin lỗi vào hai ngày sau đó. Bởi anh nghĩ câu chuyện vẫn có thể qua đi trong sự mập mờ.

Anh công an đã không thể không xin lỗi khi ba ngày trôi qua. Ba ngày trôi qua, và internet đã không để câu chuyện xấu hổ đó chìm xuống, không để những lời lẽ bao che lấp liếm được yên ổn lãng quên. Mạng xã hội đã trở thành một công cụ giúp tất cả mọi người dân có thể tiếp cận thông tin về câu chuyện từ nhiều nguồn khác nhau, sự thật dễ dàng bị phơi bày và mọi lời lẽ bao che đều trở thành lố bịch.

Ngày thứ tư sau khi sự việc xảy ra. Anh công an đã chọn cách đàng hoàng xin lỗi. Lời xin lỗi có thể không đến từ một sự tự nguyện hoàn toàn. Nhưng chắc chắn đó là một lời xin lỗi được hình thành bởi quá trình nhận thức. Đó là nhận thức đúng đắn về khả năng giám sát của người dân trong thời đại ngày nay, khi mọi hành vi sai lầm đều không thể dễ dàng lấp liếm. 

Chính bởi vì lời xin lỗi đó được hình thành từ một quá trình nhận thức mà đáng được tin tưởng, và bức ảnh về cuộc xin lỗi ấy, chắc chắn sẽ là một biểu tượng ghi nhận bước ngoặt trong trong nhận thức về mối quan hệ công an với nhân dân.