(PL)- Tính đến nay (24-1), Thông tư 57/2015 của Bộ Công an quy định ô tô từ bốn chỗ trở lên phải trang bị bình chữa cháy có hiệu lực gần 20 ngày.
Nhưng theo báo chí, đến nay CSGT vẫn chưa phạt chủ xe hay lái xe nào về việc không trang bị bình chữa cháy.
Phải nói sau khi quy định phạt chủ xe hoặc người lái xe không trang bị bình chữa cháy được báo chí phát hiện là đã có hiệu lực thì ngay lập tức thị trường bình cứu hỏa sôi động hẳn lên. Mặc dù giá tăng gấp bốn lần so với trước đây nhưng các cửa hàng bán bình cứu hỏa tại Hà Nội và TP.HCM vẫn “cháy” hàng! Phải nói dân mình rất có ý thức tôn trọng pháp luật! Cho nên bất luận công dụng của bình chữa cháy đến đâu thì người nhập, phân phối và bán bình cứu hỏa vẫn cứ rung đùi lượm tiền!
Có một tờ báo đã làm một khảo sát trên 1.000 người. Kết quả cho thấy chỉ có 7% những người được hỏi là đồng ý với chủ trương cần trang bị bình cứu hỏa cho xe hơi, còn 59% cho rằng không cần thiết. Kết quả này cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với chủ trương đã đề ra.
Cũng cần nhìn thấy Bộ Công an ban hành quy định nói trên xuất phát từ mục đích tốt đẹp trong việc hạn chế cháy nổ trên ô tô, giảm thiểu thiệt hại khi cháy nổ xảy ra. Bởi chỉ tính riêng năm 2015, cả nước đã có 123 vụ cháy ô tô; nếu không trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, nguy cơ xảy ra tình trạng cháy nổ là rất lớn.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, lẽ ra người ta cũng cần phải thống kê, phân tích xem trong 123 vụ cháy ô tô đó có phải vì không có bình chữa cháy trên xe hay không, nếu có bình chữa cháy thì liệu những chiếc xe đó có được “cứu” không? Có bao nhiêu trường hợp nổ bình chữa cháy để trong xe? Nguyên nhân vì sao? Giữa nguy cơ bình chữa cháy bị nổ với nguy cơ xe bị cháy vì… không có bình chữa cháy thì nguy cơ nào lớn hơn, tức lựa chọn nào có lợi hơn?...
Trên đây là những câu hỏi mà người dân rất quan tâm nhưng chưa được cơ quan chức năng trả lời thấu đáo. Ngoài ra, một quy định liên quan đến nhiều người nhưng phải đến cận ngày có hiệu lực thi hành thì người dân mới biết và nháo nhào đi tìm mua bình chữa cháy. Thành ra người dân bức xúc cũng là điều dễ hiểu.
Có rất nhiều chủ trương, chính sách vừa ra đời đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Chẳng hạn quy định cấm sử dụng tầng trệt nhà ở để cho thuê, kinh doanh; quy định viếng đám ma không quá bảy vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài; cấm bán bia vỉa hè, nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 30oC; bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm ưu tiên khi đi thi ĐH; “ngực lép, chân ngắn” không được lái xe; bán hàng rong phải có đủ sức khỏe… Cứ thế, những quy định phi thực tế ra đời “từ phòng lạnh” như chuyện dài tập về cách thức ban hành chính sách ngộ nghĩnh ở ta.
Ta thường nghe dự án luật này, dự án luật kia. Từ dự án đã bao hàm ý nghĩa khoa học, trong đó các khâu từ khảo sát, phản biện đến trình dự án, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật đều phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ. Thậm chí có chính sách còn phải triển khai thí điểm nhằm đánh giá toàn diện trước khi triển khai trên diện rộng. Có như thế mới tránh cho ra đời những chính sách trời ơi, những quy định “từ trên trời rơi xuống”.
Ngoài ra trước khi thi hành, các cơ quan liên quan còn phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân nắm rõ và chuẩn bị. Nếu thấy cần thiết, cơ quan thực thi nên đề ra lộ trình thực hiện để người dân còn “tập dợt”, thay đổi thói quen, hành vi cho phù hợp với quy định mới trước khi chính thức xử phạt. Điều này cũng giống như một con đường trước giờ đang cho lưu thông hai chiều, nay nếu muốn quy hoạch thành đường một chiều thì phải trương bảng hướng dẫn một thời gian, sau đó ai vi phạm mới bị xử phạt. Tránh kiểu làm chính sách và thực thi chính sách như kiểu “đánh úp” khiến người dân trở tay không kịp.