VNN - Bàn tiếp về chuyện một số địa phương đang hết tiền, nợ tiền, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng khái niệm “đúng quy trình” rất đáng sợ vì nó đang là lá bùa hộ mệnh cho nhiều chuyện không thể gọi khác đi là ‘đè bẹp luật pháp”.
Các kỳ họp QH gần đây đều nghe các vị đại biểu báo động về bội chi ngân sách, nhưng dường như sự đánh động đó chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng “vung tay quá trán” và hệ quả như chúng ta đang thấy ở Bạc Liêu và Cà Mau có đúng không?
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Đúng như thế, chúng ta có QH, có Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể khác nhưng vai trò giám sát thì còn phải bàn thêm và phải xem lại.
Theo tôi, phải làm sao thể chế hóa vai trò giám sát đó thì mới mong có hiệu quả.
Các công cụ pháp lý để phục vụ công tác giám sát của chúng ta có bị thiếu và cần bổ sung gì thêm không, thưa ông?
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Chúng ta đã có Luật Ngân sách mới, đã có Luật quản lý nợ công, đã có Luật đầu tư công… Nói chung chúng ta đã có đầy đủ các luật liên quan đến quản lý ngân sách công. Nhưng vấn đề của chúng ta là ở khâu thực thi luật; Vấn đề của chúng ta là “Thể chế phi chính thức” mạnh hơn “thể chế chính thức” là hệ thống luật pháp đã được ban hành.
Những thể chế chính thức kia chỉ dùng để hợp thức hóa thành một quy trình để giải trình rằng “đúng quy trình” mà thôi!
Chúng ta hàng ngày chứng kiến vô vàn câu chuyện sai lè lè, đến trẻ con cũng biết. Nhưng khi kiểm tra kết quả thường là “đúng quy trình”. Thế là trót lọt! Chẳng có gì xảy ra!
Khái niệm “đúng quy trình” rất đáng sợ vì nó đang là lá bùa hộ mệnh cho nhiều chuyện không thể gọi khác đi là ‘đè bẹp luật pháp”!
Như ông thấy đấy, các địa phương đều “nghiện” đầu tư xây dựng cơ bản, báo chí đã phản ánh nhiều nơi tranh nhau “chạy” cho bằng được dù dự án hay công trình đó chưa chắc sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân ở vùng đó. Thậm chí có nơi còn dám khẳng định dự án này dự án nọ là “nguyên vọng tha thiết của nhân dân…
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Chúng tôi có khái niệm là “Ngân sách tôm hùm”.
Trong một bài viết về “Ngân sách tôm hùm” tại một diễn đàn kinh tế, chúng tôi đã nói rất rõ là: Khi chúng ta đi ăn nhà hàng, nếu hóa đơn chia đều ra để trả thì ai cũng gọi món ngon nhất, đắt tiền nhất. Mặc dù món ngon nhất, đắt tiền nhất chưa chắc đã thích. Món ngon, thích ăn nhưng rẻ tiền chưa chắc đã gọi. Cuối cùng mọi người đều gọi món tôm hùm, đắt nhất ra và ngân sách chia đều ra. Tượng đài ở một tỉnh nọ 400 tỷ đồng là ngân sách Trung ương chuyển về. Vậy tại sao tỉnh đó không làm? Lẽ ra chúng ta phải tỉnh táo để nhận ra đâu là sự thiêng liêng và đâu là lợi dụng sự thiêng liêng để trục lợi.
Vấn đề nằm ở chỗ, cứ có đầu tư là tất sẽ có thất thoát, có chi tiêu là sẽ có thất thoát. Mà có thất thoát tức là có một nhóm vụ lợi. Tình trạng này gọi là “ống bơ thủng”.
Đánh giá hoạt động đầu tư công, nhiều người có trách nhiệm đã ước tính thất thoát thường lên tới 30 – 40%, ít cũng cỡ 20%. Cho nên việc các địa phương rất “hăng hái” sáng tạo ra các dự án xây dựng cơ bản cũng dễ hiểu thôi. Ngay bản thân một số vị cán bộ biết dự án chẳng có lợi lộc gì cho phát triển KT-XH địa phương nhưng họ vẫn nhiệt tình vận động vì hệ quả thế nào là vấn đề của XH, vấn đề họ quan tâm hơn cả là lợi ích cá nhân của nhóm vụ lợi mà họ cũng là một thành viên.
Hãy hỏi những người thụ hưởng lợi ích từ những công trình đầu tư công ở địa phương sẽ rõ. Nếu cho người dân biểu quyết và lấy đó làm cơ sở thì chúng ta càng thấy rõ hơn tình trạng đầu tư công hiện nay và hiểu chiều sâu của câu hỏi tại sao như anh đặt vấn đề.
Ông có thể nói kỹ hơn chỗ tại sao công cụ giám sát của chúng ta chưa hiệu quả.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Theo Luật ngân sách thì kinh phí hoạt động của Mặt trận là do chính quyền quyết, vậy làm sao Mặt trận Tổ quốc có thể độc lập để đủ sức giám sát, phản biện với các cơ quan công quyền?
Còn hầu hết các đại biểu QH và HĐND ở ta là kiêm nhiệm, toàn là thành viên của bên hành pháp qua. Như vậy sao đảm bảo tính khách quan cần thiết để đảm đương vai trò đại diện cho cử tri giám sát? Mặt khác, họ có lợi ích trong đó thì họ làm sao tự giám sát mình được? Không mấy ai dám biểu quyết để từ bỏ lợi ích của chính mình. Bây giờ làm sao phải thể chế hóa những điều đó.
Hiến pháp của chúng ta vừa sửa đổi là một bước tiến mới tiến bộ. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm tiếp.
Phải làm sao tách bạch các cơ quan chức năng để đảm bảo tính độc lập và có thể giám sát lẫn nhau. Nếu không chúng ta mãi vẫn chỉ loay hoay với những giải pháp mang tính chữa cháy, tạm bợ chứ đừng mong có giải pháp căn cơ.
Trở lại chuyện vung tay quá trán đến nỗi không còn tiền trả lương và chi tiêu ở một số tỉnh… có lẽ cuối cùng thì ngân sách nhà nước vẫn phải chịu. Tức là nhà nước Trung ương vẫn phải chi tiền xuống cho cấp địa phương lấp vào chỗ trống do “vung tay quá trán”như lâu nay chúng ta vẫn thấy!
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Theo phát biểu của Vụ trưởng Vụ ngân sách thuộc Bộ Tài chính thì các địa phương hết tiền phải trình lên để xem xét để cấp tiền. Tức là thủ tục chặt chẽ hơn, siết chặt hơn và cuối cùng ngân sách vẫn phải chi!
Ông đã thấy ai nói về trách nhiệm cá nhân của vị lãnh đạo gây ra tình trạng bội chi, chi sẽ như thế nào chưa?
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Tôi chưa thấy ai nói gì cả!
Có phải, theo quy định của pháp luật thì có khó để xác định trách nhiệm có đúng không?
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Nhìn lại những vụ “vung tay quá trán” thì thấy thiệt hại cho đất nước thì rất cụ thể nhưng trách nhiệm thì cứ mờ mờ ảo ảo.
Chúng ta phân cấp quản lý ngân sách là phân cấp theo cấp quản lý hành chính nhà nước. Mỗi cấp quản lý hành chính nhà nước thì luôn có người đứng đầu cấp hành chính đó. Lẽ ra cấp nào để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Rất rõ địa chỉ như thế rồi còn gì.
Nhưng ở ta đang có tình trạng đi xin ý kiến tập thể. Để sau này lỡ xảy ra chuyện gì thì tập thể chịu trách nhiệm. Thậm chí, có nơi còn đi xin ý kiến cấp trung ương, thậm chí Thủ tướng, để có gì liên quan trách nhiệm thì còn dễ đẩy lên trên.
Nếu chúng ta thể chế hóa thì trách nhiệm của người đứng đầu phải rõ ràng theo hướng, dù có xin ý kiến của ai đi chăng nữa thì cuối cùng người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Phải thể chế hóa như vậy thì mới cải thiện được một phần tình trạng không rõ ràng hiện nay.
Ông có thể nói rõ hơn chỗ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu?
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Hệ thống của chúng ta là tập thể lãnh đạo, cá nhân quản lý. Cơ chế này tạo ra động cơ là cứ xin ý kiến tập thể để tạo ra liên minh hậu thuẫn và liên minh chịu trách nhiệm.
Chúng ta nói trách nhiệm của người đứng đầu rất chung chung giờ thì phải rất cụ thể, trách nhiệm như thế nào, trách nhiệm làm sao? Bất kể anh xin ý kiến của ai nhưng với cương vị chủ tịch tỉnh hay chủ tịch huyện, để xảy ra trách nhiệm ở cấp hành chính của anh thì anh phải đứng mũi chịu sào chịu trách nhiệm.
Ví dụ, cán bộ nhân viên không có lương, nợ tiền bảo hiểm y tế hay không có tiền trả cho thầy cô giáo thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước hết. Chúng ta phải quy được trách nhiệm như vậy thì mới không dám làm sai, không dám quyết sai, không dám bất chấp hậu quả như hiện nay.
Thêm vào đó là cần bổ sung cơ chế hồi tố. Không thể cứ duy trì phương án “hạ cánh mềm” là xong! Anh về hưu nhưng truy lại thời anh lãnh đạo để xảy ra trách nhiệm thì anh vẫn phải giải trình. Không nên thể cứ tiếp tục thỏa hiệp với lập luận, “đã bàn giao cho lãnh đạo mới”.
Xin cám ơn TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.