Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

“Thép hay Cá?”: Đơn giản là một ngụy biện!

LUẬT SƯ PHÙNG ANH TUẤN | VCI LEGAL

TTO - Nhân mấy hôm liền phải đọc hàng loạt tin đăng tới tấp cả online lẫn offline về đại nạn cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Đặc biệt là trả lời gây “bão mạng” của giám đốc đối ngoại của Formosa hôm 25-4, có thể thấy nhiều facebooker cùng các chuyên gia trong đời thực chia làm hai phe tranh biện.

Một bên cho rằng Formosa đang công khai khiêu thích, thách thức dư luận, bên kia lại gật gù với tuyên bố “chọn ai” nọ vì cho nó là đúng, thật thà và không nên chỉ dựa vào đoạn video để tẩy chay một doanh nghiệp nước ngoài có thành tích bỏ vốn lớn đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua?!

Bỏ qua những phản ứng bộc phát tẩy chay hoặc những thuyết âm mưu trong khi chưa có một kết luận khoa học hay chuyên môn chính thức nào về vụ cá chết này, có lẽ phản ứng hợp lý hơn là không để mình bị mắc bẫy logic ở đây chứ không phải là nhảy vào và “chọn bên” theo cái tuyên bố nọ.

Người có óc logic không nên “chọn bên” nào khi mệnh đề đặt ra là sai. Muốn một quyết định chọn có ý nghĩa, trước tiên người ta phải bắt đầu bằng mệnh đề đúng. Về mặt kỹ thuật lập luận, lý luận kiểu này chính là một lỗi ngụy biện mà ít người nhận ra.

Nó chính là ngụy biện sai nhân quả (post hoc ergo propter hoc) với lỗi “khái quát vội vã” (hasty generalization): Lý giải kiểu “B xảy ra sau A do vậy B là vì A” bị coi là ngụy biện vì nó gắn A - một sự kiện xảy ra sau với B - một sự kiện trước đó trong khi mệnh đề A không nhất thiết có liên hệ nhân quả trực tiếp với B.

Có thể chính người nói cũng không nhận ra sự ngụy biện này, bởi chính phát ngôn này khiến tuyên bố với mục đích bào chữa cho Formosa - dù có thể “thật thà” - lại trở thành một lời buộc tội: Formosa làm thép, tất cá tôm chết hết (và theo sau đó là môi trường biển và cuộc mưu sinh của người dân) - một câu hỏi tiếp nối logic.

Nó cũng đẩy một số lớn công chúng đang hoài nghi vào thế đối đầu với Formosa - bên đang rất cần công chúng thông cảm và tin vào những giải trình của mình. Khách quan mà xét, chưa chắc việc đầu tư phát triển cụm công nghiệp và công nghiệp thép ở Hà Tĩnh đồng nghĩa với việc phải gây hại môi trường hay tận diệt cá tôm trong khu vực.

Nhìn nhận vấn đề đơn giản như thế (bỏ qua tính toán kinh tế bắt buộc đầu tiên trong lựa chọn đầu tư của mọi quốc gia là phát triển và công nghiệp hóa với giá nào), vị giám đốc đối ngoại đã “báo hại” chính Formosa khi buộc công chúng phải chấp nhận một ngầm định: hễ phát triển là phải hi sinh môi trường và tự nhiên, trong khi rõ ràng đây là một mệnh đề sai và không có tính nhân quả.

Thực tế, trên thế giới không thiếu những khu công nghiệp, địa phương hay thậm chí cả quốc gia phát triển mà không phải phá hoại môi trường. Ngay cả những công ty từng phá hoại môi trường trên diện rộng như Shell, ExxonMobil, BP, Texaco... cũng phải công nhận sự thật này và tích cực thay đổi hành vi, hiện luôn cố gắng tái xây dựng hình ảnh của mình như những công ty phát triển xanh và bền vững.

Công nghệ thép, một công nghệ được xếp vào loại kém sạch sẽ thuộc thế kỷ 19, càng không có lý do gì để “vỗ ngực xưng tên”, đòi xã hội “đánh đổi” mình lấy môi trường hay thế giới tự nhiên.

Về lâu dài, phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế bền vững chỉ có được khi KHÔNG đánh đổi bằng môi trường, vì nếu ngược lại, cái giá phải trả luôn luôn là QUÁ ĐẮT khi so với tổng chi phí cả nền kinh tế và xã hội phải gánh chịu trong một thời gian dài cho một nhóm cổ đông công ty thu lợi ngắn hạn.

Đây là một trong những tính toán kinh tế đơn giản, hiển nhiên mà các nước đã phát triển học được một cách đắt giá từ nhiều thập kỷ trước. Nay chúng đã là những lý lẽ phổ quát thông thường (common sense) của thế giới.