VNExp - "Huy động vốn trong dân để xây dựng hạ tầng đô thị" - Một thông điệp phát đi từ TP Hồ Chí Minh trong cuộc hội thảo về huy động nguồn vốn, gây nhiều tranh cãi trên báo chí và mạng xã hội mấy ngày qua.
Nhiều người cho rằng, huy động vốn trong dân hiện nay quá khó, mặc dù theo thống kê, lượng vàng trong dân còn rất lớn, khoảng 500 tấn, đồng thời mỗi năm kiều hối chuyển về nước lên tới 11-12 tỉ USD. Số tiền này không gửi vào ngân hàng. Trong quá khứ, nhiều người mua trái phiếu sau một thời gian đã thành giấy vụn, nhưng điều đó sẽ khó lặp lại.
Không phải lần đầu tiên, Chính phủ quan tâm đến cách thức huy động nguồn lực vật chất. Rất nhiều đề án huy động vàng và tiền nhàn rỗi qua nhiều nhiệm kỳ. Nhưng dường như các giải pháp khi vào thực tế vẫn gặp bế tắc. Tỷ giá có thể tạo cơn sốt nhất thời, tuy nhiên, để tạo thành một khoản tích lũy lớn cho đầu tư phát triển thì lại là một vấn đề khác.
Câu chuyện làm tôi nhớ đến một hội thảo tháng 6 vừa qua ở Đại học Havard. Diễn giả của khoá học là những người trực tiếp thực hiện các hoạt động tạo nguồn, lên đến nhiều tỉ đô la từ các nguồn vốn xã hội. Ở đó, tôi dự một buổi trò chuyện với Giáo sư Paul Farmer. Ông có một tuổi thơ đầy khó khăn và nghèo túng. Ông lớn lên với gia đình trong một chiếc xe kéo di động. Khi trưởng thành, ông theo nghề y và trở thành một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình. Với uy tín cá nhân, Farmer kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà tài phiệt như Bill Gates, Geogre Soros cùng ông thực hiện sứ mệnh "chữa trị cho thế giới". Họ giúp những người yếu thế ở các quốc gia nghèo khó có thể tiếp cận với thuốc thang và dịch vụ y tế hiện đại.
Trong suốt cuộc trò chuyện, một phần ông nói về công bằng xã hội, người yếu thế, phần lớn thời gian còn lại, giáo sư say sưa nói về triết lý mà ông theo đuổi gần hết cuộc đời mình. Nó gọi là Philanthropy.
Ở đó, tôi được nghe về tỉ phú người Malaysia Vincent Tan Chee Yioun, người cam kết xây dựng 1.000 căn nhà cho nạn nhân của bão Haiyan tại Philippines. "Bằng cách xây dựng nhà ở cho nạn nhân thiên tai, chúng ta cho họ chỗ ở, nhân phẩm và tự hào. Khi người nghèo có nhà cửa, nhiều điều có thể được giải quyết; con cái của họ sẽ không đi lang thang trên đường phố và nó sẽ giúp tương lai của họ", Tan nói. Nhìn sự kiện này, nhiều người cảm thấy thán phục bởi lòng hảo tâm của vị tỷ phú kia. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây, là cách họ hiện thực hóa lòng tốt: họ không làm từ thiện (charity), mà đóng góp xã hội (philanthropy).
Philanthropy xuất phát từ Mỹ và được các tỉ phú trên thế giới sử dụng phổ biến, thay vì từ thiện đơn thuần, họ sử dụng và quyên góp tiền bạc vào các mục tiêu phát triển xã hội. Hãy đọc lại tuyên bố của Vincent Tan, khi ông hướng tới việc cho người nghèo “nhân phẩm”, “tự hào” và căn nhà “giải quyết được các vấn đề khác”. Tương tự, là nỗ lực tăng khả năng tiếp cận y tế mà Paul Farmer thực hiện.
Phong trào từ thiện tại nước ta ngày càng nở rộ và chủ yếu đi theo mô hình từ thiện truyền thống nhằm xoa dịu nhất thời nỗi đau của những người nghèo khó. Từ thiện truyền thống không thay đổi được hiện trạng nghèo khổ ở gốc rễ, không giúp tạo cơ hội cho con người vươn lên, không tạo được ra sự phồn vinh cho xã hội. Từ thiện xóa đi vấn đề trước mắt người nghèo túng, trong khi đóng góp xã hội dành cho sự cải thiện chất lượng sống lâu dài. Việt Nam có thể tạo được vốn xã hội thông qua Philanthropy, trong bối cảnh các nguồn lực chính dành cho phát triển đều khan hiếm và hạn hẹp như hiện nay, khi lớp người giàu mới xuất hiện.
Làm giàu là tốt, nhưng theo tôi nếu chỉ làm giàu cho cá nhân thôi thì xã hội chưa chắc được hưởng lợi. Theo hai học giả kinh tế chính trị nổi tiếng Robert D. Putnam và Sennett R. thì dấu hiệu báo động đầu tiên của sự suy thoái nguồn vốn xã hội là số người phát giàu mà không làm gì cả, khoảng cách giàu nghèo tăng lên. Và nguồn vốn xã hội không thể khơi thông được khi chủ nghĩa cá nhân vị kỷ ngày một chiếm thế mạnh, làm cho tinh thần hợp tác xã hội yếu dần.
Tại Việt Nam, nhiều người vẫn đang sử dụng nhân lực và tài nguyên đất nước để làm giàu cho riêng cá nhân, gia đình và dòng họ của mình rồi tìm cách chuyển tiền của và gửi con cháu của mình ra nước ngoài du học và lập nghiệp. Nhiều người khác có từ tâm. Nhưng điều đó cũng chỉ được thể hiện qua các dự án từ thiện, cho cân gạo, tấm áo chứ mục tiêu phát triển xã hội thì chưa.
Lòng tốt cũng có những cách triển khai khác nhau. Dòng họ tôi, có người đã đóng góp hầu hết tiền vàng cho Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Ông đã tạo niềm tin và thu phục nhân tâm các nhà tư sản dân tộc, tác động được đến lòng yêu nước nồng nàn của họ, khiến họ tin tưởng đem tài sản để hiến tặng cho quốc gia.
Tôi cứ mãi trăn trở, vậy chính quyền hiện nay cần làm gì để người dân nói chung và người giầu nói riêng xả thân vì chính quyền và vì dân tộc? Phải chăng, đó là niềm tin?