Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Quá nhiều lễ hội, Việt Nam cổ súy cho sự lười biếng

Châu An

Đất Việt - "Bên cạnh việc gây lãng phí lớn, có quá nhiều lễ hội cũng là điều kiện cho những việc làm biến tướng, hành động rất phi văn hóa nảy sinh".

Đó là nhận định của GS.TS Võ Tòng Xuân - nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ với báo Đất Việt, khi nói về việc Việt Nam hiện nay có quá nhiều lễ hội.

Lười lao động, thích thảnh thơi

PV: - Theo thống kê năm 2009, Việt Nam có 7.966 lễ hội, thế nhưng, chỉ qua 7 năm, số lượng lễ hội đã vượt quá con số 8.000, nhiều nhất là lễ hội dân gian, kế đến là tôn giáo, lịch sử.

Thưa ông, phải hiểu thế nào về việc số lượng lễ hội tăng theo từng năm như vậy? Một đất nước phải được xếp hạng vô địch về số lượng lễ hội có phải là điều may hay không và vì sao, thưa ông?

GS.TS Võ Tòng Xuân: - Các nhà quản lý đang có những sai lầm về việc cho phép các lễ hội mọc ra rất nhiều, cấp phép tổ chức lễ hội một cách dễ dãi.

Hiện nay, có rất nhiều lễ hội giống nhau, cái nào cũng giống cái nào. Thậm chí, 2 làng sát nhau nhưng có 2 lễ hội giống y hệt nhau nhưng người dân vẫn “thấy hội là đi”. Cho nên dù có nhiều lễ hội thì Việt Nam cũng không phải là may mắn hay là vui vẻ gì.

Chúng ta tổ chức lễ hội để bảo tồn văn hóa lịch sử thì phải tôn trọng lịch sử. Nếu lễ hội nào gắn với sự tích linh thiêng, có tính chất quốc gia, phản ánh được văn hóa truyền thống thì để, lễ hội nào không tiêu biểu chỉ mang tính địa phương thì không nên khuyến khích cử hành lễ linh đình, rầm rộ, gây ra sự tốn kém.

Hầu như địa phương nào cũng phải xin có một, hai lễ hội, mới dẫn đến việc mỗi năm lại có thêm vài lễ hội diễn ra. Và việc các địa phương thích xin tổ chức lễ hội, nhỏ thì cỡ địa phương, to thì cấp quốc gia, cũng có nguyên do của nó.

Khi tổ chức lễ hội thì có thể cho các tiểu thương buôn bán, thu tiền phí, thậm chí địa phương còn được hưởng lợi từ việc cúng tiến, công đức của khách thập phương. Hiện nay, tâm lý người Việt khi đi đến các khu đền, chùa, ai cũng dúi tiền vào tay Phật, hoặc công đức tiền để tu bổ đền, chùa.

Quan trọng nhất đó là có thể xin tiền từ trung ương để tổ chức lễ hội, mỗi lễ hội diễn ra hiện nay ít thì cũng mất vài triệu, còn nhiều thì có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu như chỉ có 1 - 2 lễ hội thì đó là con số có thể chấp nhận, để coi như gìn giữ cái gọi là văn hóa, nhưng ngày nào cũng 2-3 lễ hội thì không biết ngân sách phải tiêu hao bao nhiêu tiền của.

Bên Nhật Bản, mỗi địa phương tại Nhật Bản đều có một cái chùa, đền rất nổi tiếng. Nhưng mỗi năm, tại đây chỉ có 1-2 ngày lễ hội vào đầu năm. Nhóm người bán hàng dịch vụ ở lễ hội biết lịch và chỉ tới kinh doanh vào thời điểm đó, chứ không kéo dài lê thê cả tháng như ở Việt Nam.

Nhưng thông qua lễ hội họ phải đóng thuế nhiều, làm cho ngân sách nhà nước khá hơn, thay vì hao hụt như ở Việt Nam.

Đó là chưa kể cái tính linh thiêng của lễ hội không được nhắc đến mà toàn là cảnh chen lấn, xô đẩy.

PV: - Quả thật, tại bất cứ lễ hội mang tính quốc gia nào, cảnh chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn đều xảy ra, mới đây nhất là cảnh hỗn loạn ở lễ hội Đền Hùng.

Thưa ông, việc người Việt đua nhau hướng về lễ hội như vậy xuất phát từ nguyên nhân nào? Nhiều lễ hội và thích đi hội, đặc biệt là các lễ hội cấp quốc gia, điều này phản ánh nét tính cách nào trong tâm lý của người Việt?

GS.TS Võ Tòng Xuân: - Tôi không hài lòng vì người Việt bỏ bê công việc tham dự lễ hội quá nhiều. Một người có thể đi rất nhiều lễ hội. Lễ hội kéo dài hàng tháng, thậm chí vài tháng trời.

Thế nhưng, theo tôi thành phần đi lễ hội nhiều chủ yếu là công chức Nhà nước đi hội hoặc những người không có việc làm. Người lao động ở công ty tư nhân họ có cách quản lý bằng sản phẩm nên không mấy ai đi.

Ngay như bản thân tôi, hay các cán bộ khác, có mấy ai đi lễ hội, thời gian còn không đủ để giải quyết công việc hàng ngày, thì làm gì có thời gian để đi hội.

Nhớ lại ngày xưa các cụ có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”. Trong xã hội nông nghiệp ngày xưa, người nông dân hoàn toàn nghỉ ngơi trong mùa xuân, dành thời gian cho việc ăn chơi.

Nhưng giờ đây trong xã hội hiện đại, câu nói đó vẫn còn nguyên giá trị. Với những dòng người tấp nập đổ đến các lễ hội, những công sở vắng hoe, các xí nghiệp chỉ lo mất lao động.

Đây là một lực cản lớn cho phát triển kinh tế, là thứ ghìm chân, khiến tác phong lao động người Việt không thể chuyên nghiệp. Trong lúc thế giới đang cạnh tranh rất mạnh mẽ mà chúng ta cứ mãi bám theo hội hè, cúng bái thì sẽ bị tụt hậu.

Thậm chí, theo tôi, có thêm một thành phần nữa, thường xuyên thích đến lễ hội, đó là những đối tượng móc túi, ăn cắp, gây ra những lộn xộn, trà trộn về trật tự an ninh xã hội.

Để thấy, bên cạnh việc gây lãng phí lớn, việc có quá nhiều lễ hội cũng là điều kiện cho những việc làm biến tướng, những hành động rất phi văn hóa nảy sinh. Du khách chen chúc nhau, thậm chí giẫm đạp, hàng quán thì nhếch nhác, người bán chèo kéo người mua.

Cái tâm lý lười lao động, thích thảnh thơi nó thể hiện rõ qua việc thích đi chơi, thích lễ hội rất rõ nét. Lạ một điều càng công chức nhàn rỗi thì lại thích đi lễ hội nhiều.

Phải tập trung tạo ra của cải vật chất

PV: - Dù Việt Nam có số lượng lễ hội xếp vào hàng "vô địch"  thế giới nhưng lại đang đứng ở nhóm cuối trong khu vực về năng suất lao động. Nếu suy luận theo cách thông thường, mỗi ngày ở nước ta có hàng chục ngàn người chỉ chơi mà không làm gì.

Điều này có tốt cho một quốc gia vẫn đang xếp ở nhóm các nước cận nghèo hay không, thưa ông? Muốn thay đổi điều này thì chúng ta phải làm như thế nào?

GS.TS Võ Tòng Xuân: - Bây giờ, chúng ta có số lượng cơ quan thì nhiều, nhiều công chức nhưng lại không bố trí công việc hợp lý, nên nhàn rỗi sinh ra thích đi chơi, đi hội.

40 năm qua, mặc dù cũng đi lên tay trắng từ chiến tranh nhưng đất nước Hàn Quốc đã tăng trưởng kinh tế gấp 12 lần; Thái Lan gấp 8 lần; trong khi Việt Nam chỉ hơn 4 lần. Tuy nhiên, trong cuộc lễ hội nào, người Việt cũng rất “năng nổ”.

Tôi cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị sa sút vì những con người “thảnh thơi”. Khi tình trạng kinh tế thay đổi theo hướng tốt lên, người dân sẽ thực tế hơn, lo đi làm hơn đi lễ hội.

Cứ thử nhìn vào, nông dân hiện nay không còn đất để canh tác vì bán đất cho các dự án BĐS, các khu công nghiệp. Công chức thì sáng cắp ô đi, tối cắp ô về trong khi bộ máy cồng kềnh. Sinh viên, thạc sỹ, tiến sỹ học ra trường không có việc làm vì nhu cầu tuyển dụng không có, năng lực không đảm bảo cho các công ty nước ngoài.

Các cụ xưa kia vẫn có câu "nhàn cư vi bất thiện" vẫn không sai cho đến tận bây giờ, những người bận rộn, có việc làm chắc chắn sẽ ít đi lễ hội, thậm chí còn rất ít quan tâm.

Cũng một phần bởi vì chúng ta có quá nhiều lễ hội, chính điều này sẽ cổ xúy cho thói quen thảnh thơi của chính chúng ta. Việc sáng suốt là cần phải tập trung làm việc để tạo ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội. Không nên sa đà vào lễ hội như hiện nay.

Cái khó của chúng ta hiện nay là đã trót cấp phép cho quá nhiều lễ hội nên không thể nói dẹp bỏ là dẹp được. Nên chúng ta chỉ có thể không làm nó quá linh đình mà thôi.

Nhưng chắc chắn trong số gần 8.000 lễ hội hàng năm, chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ bớt đi nhiều lễ hội không còn phù hợp. Số còn lại nếu có tổ chức thì cũng nên cân nhắc về quy mô và thời gian của lễ hội chứ có những hội kéo dài đến vài tháng trời là không nên.

- Xin cảm ơn GS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!