Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Dân còn chịu đựng được, phí còn tăng?

Hoàng Linh

(Dân Việt) “Cứ tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nếu vắng thì lại... giảm”- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã nói như vậy.

“Cứ tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nếu vắng thì lại... giảm”- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã nói ý như vậy khi diễn giải việc tăng phí đường bộ 2016, trong lúc người dân và doanh nghiệp vận tải đồng loạt kêu: Quá sức chịu đựng.

Ông Trường nói thêm: “Các trạm nằm trong lộ trình tăng phí vẫn tăng bình thường. Thực ra việc tăng là cần thiết và hợp lý, nhưng tăng như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì phải cân nhắc 3 điều kiện: Việc hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và tốc độ phát triển của nền kinh tế”.

Trước đó Bộ GTVT đã có đề nghị lùi thời hạn tăng phí đến tháng 6.2016 nhưng Bộ Tài chính đã bác bỏ, có nghĩa việc tăng thu phí đường bộ vẫn áp dụng từ đầu năm 2016 mà cho dù lý luận kiểu gì vẫn thấy nhằm đảm bảo cho việc hoàn vốn của nhà đầu tư, có tính toàn sức chịu đựng của người dân, có nghĩa nếu dân còn chịu nổi, còn im thì… sẽ duy trì mức tăng hoặc tăng tiếp.

Nhưng dân có chịu đựng nổi không?

Ngay từ những ngày đầu áp dụng thu phí, các trạm thu phí đường bộ đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân. Tin trên báo cho biết, không đồng tình với quy định tăng phí đường bộ của Bộ Tài chính, nhiều người dân và doanh nghiệp đã đưa ô tô đến chặn ngang Trạm thu phí Quán Hàu tại Km 672+472 trên QL 1A, đoạn qua địa phận huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Sở dĩ người dân và doanh nghiệp đưa xe đến chặn ngang trạm thu phí này là vì từ ngày 1.1.2016, phí đường bộ qua trạm tăng mức tối thiểu từ 20 ngàn đồng/lượt lên mức 35 ngàn đồng/lượt.

Vụ việc đã làm ách tắc giao thông quanh khu vực khoảng 2 giờ đồng hồ. Chỉ đến khi lực lượng CSGT đến làm việc, các chủ phương tiện mới chịu đưa xe ra khỏi hiện trường, đường qua trạm thu phí này mới lưu thông trở lại.

Không hiểu sau phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, sự việc sẽ diễn biến như thế nào nhưng rõ ràng là khó có thể đồng thuận với những quy định, điều luật…tăng dần mức thu đánh vào người dân, tùy theo… mức độ chịu đựng của họ.


Nhưng chuyện ra luật quy định sau đó vì quá sức chịu đựng người dân phản ứng phải thay đổi là chuyện hiếm.

Gần đây có dự thảo về việc Luật Dân Sự trong đó cấm đặt tên dài quá 25 chữ cái, có lẽ người soạn luật sợ đặt tên dài quá sẽ không có chỗ để ghi trong các biểu mẫu giấy tờ.

 Điều này quá sức chịu đựng vì nó vi hiến nên truyền thông và người dân phản ứng mạnh. Dự thảo về điều luật này bị gỡ bỏ vì vi phạm nguyên tắc của quyền con người, quyền công dân và việc đặt tên dài hay ngắn không ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội hay đe dọa cộng đồng… đến mức phải cấm. Hay người làm luật cho rằng số người đặt tên quá dài là rất ít nên cấm luôn cho tiện?

Tôi liên tưởng tới câu chuyện tại Nhật tháng 3 vừa đây đã đóng cửa nhà ga  Kami-Shirataki,  một ký ức văn minh hết sức ấm áp sẽ được lưu giữ trong ký ức cho nước Nhật cũng như cho thế giới. Nhà ga nhỏ nằm ở thị trấn Engaru, thuộc vùng nông thôn của Hokkaido, đã đột nhiên lừng danh từ 3 năm nay với việc duy trì phục vụ cho một hành khách duy nhất, là một nữ sinh đi học hàng ngày. Hôm nay cô đã chuyển sang trường khác không còn sử dụng nhà ga nữa.

Câu chuyện Cơ quan Đường sắt Nhật Bản họp và quyết định duy trì hoạt động đầy thua lỗ này với mục đích là giúp cho một nữ sinh không gặp khó khăn trên đường đến trường trở thành huyền thoại trong thế giới hiện đại, vốn đang nghèo khó sự chia sẻ và lòng bác ái. Một nhạc sĩ  đã ví von như vậy.

Theo tôi, còn có ý nghĩa khác mà chúng ta cần học hỏi là những nhà quản trị đường sắt Nhật chấp nhận thua lỗ để đảm bảo quyền đến trường của trẻ em Nhật được luật pháp bảo hộ. Dù là hành động hay điều luật điều phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân hoặc phát triển hơn chứ không phải ngăn cấm vì sợ bất cứ điều gì hay căn cứ vào mức độ chịu đựng của người dân để ra quyết định.

Nếu tư duy kiểu vậy, cô gái Nhật sẽ phải chịu đựng việc bỏ học vì lợi ích nhà đầu tư hỏa xa như cách mà ta đang lý luận cho việc tăng thu phí đường bộ, dồn cái khó là tăng chi cho người dân để doanh nghiệp tăng thu.

Xa xa hơn có chuyện quy định cấm người ngực lép, thấp bé điều khiển xe hay quy định phạt tiền người sinh con thứ 3 của Nghệ An bị hủy bỏ hồi năm ngoái. UBND tỉnh Nghệ An quy định: Người sinh con thứ ba không phải là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang phải đóng góp một khoản kinh phí theo cam kết cho ban Dân số- kế hoạch hóa gia đình tại xã, phường, thị trấn có giá trị từ 1 triệu đồng cho một lần vi phạm.Có thể UBND tỉnh Nghệ An sợ người sinh con thứ 3 sẽ không đủ điều kiện nuôi dạy con đầy đủ chăng?

Đúng là việc quá sức chịu đựng nên người dân phản ứng đòi hủy bỏ quyết định trái thẩm quyền  vì Luật xử lý vi phạm hành chính không có điều khoản này. Quyết định đã bị hủy bỏ, nhưng nếu người dân Nghệ An tiếp tục chịu đựng chắc là cho đến hôm nay quyết định buồn cười kia vẫn còn hiệu lực.

Tôi không có điều kiện để kể ra cho hết những quy định đè nén người dân và căn cứ vào sự chịu đựng của cộng đồng để tiếp tục duy trì hay hủy bỏ.

Dân tình không cần những nhà quản trị xã hội vì các lợi ích khác  mà hạn chế những quyền vốn có của công dân đồng thời dồn khó khăn của doanh nghiệp, lợi ích nhóm hay chính quyền cho dân gánh chịu. Một chính quyền minh bạch là phải ban hành, duy trì các điều luật, quy định căn cứ vào quyền công dân, quyền con người và các quyền mà hiến pháp bảo hộ chứ không phải hạn chế nó bằng nhiều hình thức luật và dưới luật như trên đã nêu.