Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

LS ngồi ngang hàng KSV: Bình Dương, Đà Nẵng tiên phong

TẤN TÀI

(PL)- Mô hình phòng xử án bố trí luật sư ngồi ngang hàng với kiểm sát viên từng được TAND tỉnh Bình Dương và TAND TP Đà Nẵng tiên phong áp dụng.

Mới đây, TAND Tối cao đã yêu cầu các tòa cấp dưới triển khai thực hiện mô hình phòng xử án mới, trong đó bố trí chỗ ngồi của luật sư (LS) ngang hàng với kiểm sát viên (KSV). Điều này không chỉ mang lại sự phấn khởi cho giới LS mà những người, những địa phương tiên phong “thí điểm” mô hình này cũng cảm thấy vui mừng vì ý tưởng của mình đã thành hiện thực.

Thực tế, TAND TP Đà Nẵng đã triển khai mô hình này gần ba năm qua. Theo Thẩm phán Đặng Ánh, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, từ năm 2010 TAND TP Đà Nẵng đã “thai nghén” mô hình này. Lúc ấy lãnh đạo tòa trăn trở phải bố trí phòng xử án như thế nào đó để bảo đảm tinh thần cải cách tư pháp, tạo sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội khi tranh tụng. Sau khi báo cáo lãnh đạo Thành ủy, năm 2013, TAND TP Đà Nẵng đã chính thức triển khai mô hình này, trong đó chỗ ngồi của LS và KSV được bố trí ngang hàng nhau.

Ông Ánh kể: “Ban đầu cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Để thay đổi một mô hình, một tư tưởng đã ăn sâu là cực kỳ khó khăn. Có quan điểm cho rằng tại phiên tòa, KSV ngoài chức năng truy tố còn đảm nhận nhiệm vụ kiểm sát hoạt động của HĐXX nên vị trí ngồi phải cao hơn LS. Còn phía LS lại bảo tôi và anh phải bằng nhau bởi hai bên tranh tụng thì phải bình đẳng. Cuối cùng, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm là KSV ngồi ở vị trí nào cũng có thể kiểm sát hoạt động của HĐXX được, còn khi tranh tụng thì phải bình đẳng. Hai anh buộc tội-gỡ tội phải ngồi bằng nhau để đối đầu với nhau mới đảm bảo dân chủ, công bằng”.

“Khi ấy, bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đến tham quan mô hình phòng xử của chúng tôi đã nói: “Tại sao không triển khai, nhân rộng mô hình này? Nó quá hay và tiến bộ!”. Nhiều đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp, TAND Tối cao... vào đều nhận xét tốt. Dư luận, báo chí, giới LS… cũng ủng hộ. Đó là động lực thôi thúc chúng tôi quyết tâm triển khai thực hiện” - ông Ánh kể tiếp.

Để việc thay đổi vị trí chỗ ngồi không chỉ là hình thức, TAND TP Đà Nẵng thường xuyên mở các buổi tập huấn, trao đổi giữa các thẩm phán, hội thẩm về việc thay đổi phong cách xét xử. Thay vì trước đây phiên tòa xét xử nặng về xét hỏi thì nay đề cao tính chất tranh tụng. Xét hỏi tại phiên tòa là việc của bên buộc tội và gỡ tội, HĐXX hạn chế tham gia xét hỏi mà chỉ đề nghị các bên xét hỏi đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác khi thấy vấn đề còn chưa được làm rõ.

Đặc biệt, KSV đã không còn kiểu tranh tụng “giữ nguyên quan điểm truy tố” mà tranh tụng đầy đủ với những người tham gia tố tụng. Nếu giữ nguyên quan điểm thì lập luận vì sao giữ nguyên, nếu không đồng ý với ý kiến của LS cũng lập luận rõ ràng. Tòa chỉ dựa vào kết quả tranh tụng này làm căn cứ tuyên án, không chấp nhận bất cứ quan điểm nào ngoài quan điểm tranh tụng.

Phía LS cũng có tâm lý thoải mái, tự tin hơn để tranh luận lại với KSV. Bản thân bị cáo ra tòa cũng có sự tin tưởng hơn vào thân phận pháp lý của mình bởi họ thấy phía trên cơ quan buộc tội còn có HĐXX - nơi giữ cán cân công lý.

Theo ông Ánh, sau gần ba năm triển khai, mô hình phòng xử mới với tư tưởng hướng tới sự tranh tụng bình đẳng đã góp phần giúp TAND TP Đà Nẵng nâng cao chất lượng xét xử.

“Đây là mô hình xét xử tiến bộ mà đáng lẽ chúng ta phải áp dụng từ lâu. Việc thay đổi này không chỉ đơn thuần nâng cao tính chất tranh tụng. Sâu xa hơn, nó còn đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên tham gia tố tụng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân của bị cáo, từ đó tránh được oan, sai” - ông Ánh khẳng định.
***

Từ viên gạch đầu tiên ở Bình Dương

Địa phương đầu tiên áp dụng mô hình phòng xử án bố trí luật sư (LS) ngồi ngang hàng với kiểm sát viên (KSV) là tỉnh Bình Dương.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, hiện là vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam - TAND Tối cao, kể: Sau khi đi thăm một số mô hình phòng xử án ở nước ngoài và nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan, năm 2006 ông bắt đầu áp dụng mô hình chỗ ngồi mới. Ban đầu ông cho áp dụng ở hai nơi là TAND huyện Tân Uyên và Thuận An (nay là thị xã Thuận An). Ông đã tự làm bản vẽ thể hiện mô hình trên giấy gửi kèm công văn ra TAND Tối cao xin ý kiến.

“Ngày đó, sau khi đọc đề xuất của tôi, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tú đã xác nhận vào công văn gửi lại, cho phép Bình Dương được làm thí điểm. Đó chính là cơ sở giúp tôi có động lực theo đuổi ý tưởng” - ông Tùng tâm sự.

Sau khi thí điểm ở cấp huyện, ông Tùng đã cho triển khai ngay tại TAND tỉnh với mong muốn sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh. Nhưng thực hiện được một thời gian thì vấp phải phản ứng của VKSND tỉnh với lý do KSV không thể ngồi ngang hàng với LS. Lúc đó ông Tùng đã đưa ra nhiều lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.

“Cải cách tư pháp thì tòa án phải là trung tâm trong xét xử, ngồi cao nhất. Đại diện VKS là người bảo vệ cáo trạng và đề xuất mức án lên tòa thì anh phải ngồi thấp hơn tòa. LS bảo vệ thân chủ đưa ra ý kiến bào chữa để tòa xem xét thì cũng phải ngồi thấp hơn tòa. Nói thật, ngày đó tôi từng có ý định sẽ làm bàn của KSV cao hơn bàn LS khoảng 5 cm để VKS khỏi thắc mắc…” - ông Tùng kể.

Thời điểm này, báo Pháp Luật TP.HCM từng đăng nhiều bài cổ súy cho mô hình phòng xử án này. Đây cũng là quan điểm của báo từng đưa ra 10 năm trước đó và được giới LS ủng hộ hết mực...

Nhưng rồi đến năm 2010, khi ông Tùng không còn làm chánh án TAND tỉnh Bình Dương nữa thì phòng xử án lại quay trở về cách bố trí cũ.

Cũng theo ông Tùng, trước đó, trong một lần đến thăm Bình Dương, lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng rất tâm đắc, muốn cùng thực hiện và sau đó địa phương này đã áp dụng thành công.

“Cảm giác của ông như thế nào khi ý tưởng của mình ngày nào giờ đã thành hiện thực?”. Ông Tùng cho biết: “Ngay từ ngày đó tôi đã nghĩ mô hình này chắc chắn sẽ thành hiện thực. Đơn giản vì nó phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà chúng ta đang xây dựng!”.

THANH TÙNG