Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Đừng lầm Vôi với Phấn

Bảo Dân

Petrotimes - Theo nhà chức trách, ngày 8-1-2016, Nguyễn Sơn Tùng (SN 1985, trú tại tổ 7, phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên) đã sử dụng tài khoản facebook có tên là “Tùng Lò Gạch” đăng thông tin về vụ bắt cóc trẻ em tại khu vực Trường mầm non 19-5 (thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên)

Bạt mạng hơn, Tùng còn tự ý kết luận, “bắt cóc người để lấy nội tạng xảy ra trên địa bàn ngày càng nhiều và táo tợn”. Tin vịt này cũng có  2.700 lượt chia sẻ trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

Qua xác minh, Công an tỉnh Thái Nguyên đã làm rõ và xác định trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp trẻ nhỏ nào bị bắt cóc. Bởi vậy, Tùng đã bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 12,5 triệu đồng.

Câu chuyện thông tin trên facebook không phải là thông tin báo chí. Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và tập trung thảo luận đối với Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, quản lý các trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, theo đó: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay một số quy định còn chưa được cụ thể; việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng nên đã dẫn đến những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí...

Vì vậy, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã bổ sung một chương riêng để quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Thế nhưng, các chuyên gia phát hiện Dự thảo Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo (Điều 11), còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân (Điều 12). Mặt khác, Điều 11 về quyền tự do báo chí lại quá rộng, muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp về quyền tự do báo chí nhưng lại không chỉ rõ quyền này của ai. Nội dung của Điều 11 cũng chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của quyền này. Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc, chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Việc sửa luật lần này là để công dân thực hiện được quyền đó cũng như để đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí hiện nay. Nếu Dự thảo Luật sửa đổi đi sâu vào nghề làm báo và cách thức quản lý báo chí, còn vấn đề làm sao để công dân thực hiện quyền tự do báo chí thì chưa thể hiện rõ. Liên quan đến các trang thông tin điện tử và mạng xã hội phát triển quá đông hiện nay, cơ quan thẩm tra đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể về báo điện tử, nhưng không nên quy định về các trang tin điện tử tổng hợp.

Các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất tương tự như báo điện tử, đã được Nghị định số 72 và Thông tư 09 của Bộ Thông tin và Truyền thông điều chỉnh, trong đó quy định hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải có “văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp nguồn tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin”. Tuy nhiên, thực tế hầu như không có cơ quan báo chí nào cho phép một trang tin điện tử sao chép lại thông tin bài vở của báo, bởi đây là một cách gián tiếp giảm bớt lượng truy cập báo điện tử và số lượng phát hành báo in. Luật không cho phép các trang tin điện tử tự sản xuất nội dung nên người làm các trang này mặc nhiên sẽ tự ý sao chép, chỉnh thông tin, bài vở từ các báo điện tử mà cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí khó có thể ngăn chặn tình trạng này.

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lại bao gồm cả trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… sẽ có thể là kẽ hở cho cách làm báo kiểu sao chép, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong luật mà có thể tham khảo cách quản lý của nhiều nước là điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội bằng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ...

Xin lưu ý, Bộ trưởng  Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội không phải là báo chí. Nếu đưa vào luật để điều chỉnh, tức là đã hợp thức các trang này là báo chí, là thừa nhận báo tư nhân.

Kết luận về nội dung này Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu “cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.

Chợt nhớ có lần Giáo sư Mindy McAdams - giảng viên Khoa Báo chí - Đại học Florida (Mỹ) trong một lần đến Việt Nam cách đây không lâu đã nhấn mạnh rằng, mạng xã hội không phải là báo chí, nhưng vẫn có phần giao nhau giữa mạng xã hội và báo chí. Thực tế, ở Việt Nam đang có nhầm lẫn giữa thông tin chính thức trên báo chí, báo điện tử, các trang web với các thông tin trên mạng xã hội. Tất nhiên, mạng xã hội với tư thế mọi lúc, mọi nơi, trong cuộc, người ta có thể có những thông tin đời sống như tai nạn giao thông, thiên tai, hiếu hỷ, chuyện lạ và nhiều loại thông tin khác nhanh đến nỗi báo chí phải nhờ các thông tin này để vào cuộc. Đã có những thông tin trên zalo, facebook giúp ích cho cơ quan điều tra khi truy tìm nạn nhân, truy bắt thủ phạm… Với vai trò là phương tiện chia sẻ cảm xúc cá nhân, thông tin bè bạn theo dòng thời gian mạng xã hội giúp các thông tin cá nhân đến với bè bạn mọi lúc, mọi nơi. Tính hữu dụng của mạng xã hội có lẽ khỏi cần bàn cãi, nhưng mặt trái của nó với những tác hại của nó thì chủ tài khoản cũng khó lường hết hậu họa, còn cơ quan quản lý cũng bó tay luôn.

Thế nhưng, không thể coi các thông tin trên mạng xã hội là thông tin báo chí được. Luật pháp Việt Nam hiện quy định không có báo chí tư nhân nên càng không có cơ sở pháp lý để xếp các trang điện tử này như một cơ quan báo chí. Ngay cả các nước có báo tư nhân người ta cũng không công nhận các trang mạng xã hội này là báo chí, bởi nó không có tư cách pháp nhân. Báo tư nhân ở các nước này cũng có tôn chỉ mục đích cụ thể và chịu sự điều chỉnh của luật pháp.