(Dân Việt) Điều gì khiến cho hai chữ Trung Quốc trở thành một nỗi sợ bao trùm lên cảm xúc xã hội như hiện nay? Với câu hỏi đó, sẽ có rất nhiều đáp án được liệt kê.
Có một điều gì đó rất kỳ quái khi mà việc một công ty Trung Quốc trúng thầu gói cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà trở thành sự kiện nóng trên tất cả các tờ báo lớn những ngày qua. Đó là một sự nghi kỵ dù không dựa trên bất kỳ một căn cứ cụ thể nào, một nỗi sợ hãi bao trùm.
Điều gì khiến cho hai chữ Trung Quốc trở thành một nỗi sợ bao trùm lên cảm xúc xã hội như hiện nay? Với câu hỏi đó, sẽ có rất nhiều đáp án được liệt kê.
Là những công trình chất lượng kém đã mọc lên dưới bàn tay nhà thầu Trung Quốc suốt bao nhiêu năm qua trên khắp đất nước.
Là tình trạng mất kiểm soát đối với người lao động Trung Quốc ở Nghi Sơn, Vũng Áng, Tân Rai, Thủy Nguyên, thậm chí cả U Minh...
Nỗi sợ cũng hình thành bởi một thị trường tiêu dùng ngập tràn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại... có xuất xứ Trung Quốc.
Đất nước nào cũng có những người tốt bên cạnh những người xấu, những doanh nghiệp tử tế bên cạnh những doanh nghiệp chày bửa. Có thể, công ty Xinxing, doanh nghiệp vừa trúng thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà, là một doanh nghiệp tử tế. Song, họ là nạn nhân của nỗi nghi kỵ về thương hiệu Trung Quốc, đã trở thành phản xạ ở người dân Việt Nam.
Gói thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà được tổ chức đấu thầu quốc tế. Về lý thuyết, đây là một cuộc cạnh tranh công bằng, dựa trên những tiêu chí cụ thể, đối với tất cả các nhà thầu trong và ngoài nước. Nhà thầu nào có hồ sơ đấu thầu phù hợp nhất, đảm bảo cam kết với những tiêu chí của chủ đầu tư thì đương nhiên thắng thầu, dù đến từ nơi đâu.
Xinxing trúng thầu, cho dù đó là một nhà thầu đến từ Trung Quốc thì cũng không có lý do gì đáng phải chịu sự nghi kỵ của dư luận, báo chí. Đó là lý thuyết. Còn trên thực tế, nếu như Xinxing không đến từ Trung Quốc, sẽ chẳng ai bàn luận về cái kết quả đấu thầu này. Đây là câu chuyện mang màu sắc của chủ nghĩa lý lịch cực đoan, một thứ màu sắc khiến tất cả các bên liên quan đều có thể bị tước đi những cơ hội tốt nhất.
Chỉ vì lý lịch nhà thầu Trung Quốc, Xinxing có thể gặp những bất lợi khi dự thầu ở Việt Nam, gặp những rào cản xã hội gây tổn hao tài chính trong quá trình hoạt động sau khi thắng thầu.
Chỉ vì nghi kỵ đối với lý lịch nhà thầu Trung Quốc, các chủ đầu tư Việt Nam có thể mất đi cơ hội hợp tác với những nhà thầu phù hợp với mục đích của mình.
Nỗi sợ Trung Quốc đang trở thành một thứ ngáo ộp đối với nền kinh tế thị trường non trẻ của chúng ta, biến chúng ta thành những đứa trẻ sợ ma. Sợ đến nỗi quên đi rằng có những vấn đề đáng sợ hơn, trực tiếp gây họa cho chúng ta hơn cả con ma đó.
Đường ống nước sông Đà vỡ đến 17 lần không phải vì nhà thầu Trung Quốc. Nó tệ hại như thế bởi đơn vị thi công là doanh nghiệp điển hình tiên tiến của đất nước, với lý lịch có rất nhiều huân huy chương và bằng khen các loại.
Đường sắt trên cao dù được thi công bởi nhà thầu Nhật, Mỹ, hay bất kỳ nước nào thì cũng có thể bị chậm tiến độ và đội vốn khi mà chúng ta không bảo vệ được các tiêu chí đã cam kết với nhà thầu.
Dự án Boxit Tân Rai không hiệu quả là bởi việc thẩm định dự án không chính xác, và năng lực quản lý của TKV quá yếu kém.
Sự mất kiểm soát đối với lao động Trung Quốc ở các khu công nghiệp có nguyên nhân chính thuộc về sự tắc trách của các cơ quan chức năng chứ không nhà thầu nào có thể nhập khẩu nhân công trái phép một cách dễ dàng.
Yếu kém trong thẩm định dự án, yếu kém về năng lực quản lý, yếu kém khi xây dựng tiêu chí, và yếu kém cả khả năng kiểm soát xã hội... đó là những nguyên nhân tạo ra những công trình kém chất lượng, tạo ra những nhà thầu không có năng lực, tạo ra những thua thiệt về pháp lý khi tranh chấp hợp đồng. Đó mới thực sự là những điều đáng sợ.
Khi mà những nguyên nhân thất bại của chúng ta bị gán cho những nhà thầu đến từ Trung Quốc, chúng ta đang tự bào chữa cho sự chính sự yếu đuối của bản thân mình. Điều đó, cũng giống như đứa trẻ vì lười biếng mà tè dầm rồi đổ tại sợ ma.