VOV.VN - Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không thể lấy thầy giáo, bác sĩ ở các nhà trường, bệnh viện đi làm Ban quản lý dự án vì họ đâu có chuyên môn.
Việc đấu thầu thuốc tập trung đã thực sự làm “nóng” cuộc họp Chính phủ tháng 3 diễn ra vào ngày 26/3.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Đấu thầu thuốc hiện nay chúng tôi thực hiện đúng theo Luật, Nghị định thì vướng do không cho tăng biên chế, không cho thành lập tổ chức mới. Trong thực tế của chúng tôi những đơn vị này không cấu trúc thành đơn vị riêng mà lấy từ các vụ, cục và các chuyên gia y tế. Nhưng đơn vị này phải thành lập để có con dấu, tài khoản riêng thì mới là đơn vị đấu thầu chuyên ngành theo Luật Xây dựng hoặc thành đơn vị mua sắm tập trung theo Luật đấu thầu để thực hiện đấu thầu thuốc tập trung.
Sang đến Nghị định 63 để thực hiện Luật Đấu thầu, theo phân công của Chính phủ tại Quyết định 01, Bộ Y tế thành lập một đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia để đấu thầu tập trung thuốc và có loại thành lập danh mục đấu thầu ở 3 cấp: cấp quốc gia, sở y tế, địa phương và cấp bệnh viện.
“Chúng tôi đang làm theo đúng Quyết định 01 của Thủ tướng. Nhưng gần đây, Quyết định số 08 thì lại có cái khó là các Bệnh viện trung ương, đơn vị đặc biệt lại phải theo đấu thầu tập trung của Sở. Cái này rất khó vì chúng tôi đã chia 3 mức rồi và thống nhất rất cao giữa Bộ Tài chính và KHĐT là đấu thầu cấp quốc gia thêm hình thức nữa là đàm phán giá. Chúng tôi thống nhất thành lập một đơn vị mua sắm và không phải đấu thầu mà chỉ cần có một khung giá còn lại phân cho các đơn vị trực tiếp đấu thầu. Bộ Y tế không đứng ra mua sắm vì chúng tôi rất khoát không thể thành lập đơn vị này và không thể là kho để chứa thuốc cho cả nước” – bà Kim Tiến nhấn mạnh.
Bộ trưởng Kim Tiến cũng khẳng định là hướng dẫn các Sở không lập thêm biên chế vì chúng tôi có những người có năng lực và chuyên gia phụ trách.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình, Bí thư TP HCM Đinh La Thăng khẳng định: “Đấu thầu thuốc tập trung là không hiệu quả. 3 năm rồi TP HCM không mua được thiết bị y tế nào. Nhiều người chết vì không đủ thiết bị”.
Theo quan điểm của ông Đinh La Thăng, cần tăng cường tự chủ cho các bệnh viện, mình kiểm soát về giá cả, chất lượng thì chất lượng cực kỳ tốt. Cùng với đó, tăng cường sự phối hơp giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công lập để giảm tải việc khám bệnh ban đầu. Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện tư nhân xây dựng khang trang, thiết bị y tế hiện đại nhưng công suất sử dụng rất thấp. Ngành y tế cũng cần nghiên cứu, khuyến khích các bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh trong các bệnh viện tư nhân: “Kể cả việc cho các bác sĩ giỏi đi khám bệnh trong giờ hành chính ở các bệnh viện tư. Hai bên thỏa thuận để có một khoản đóng góp trở lại” – ông Đinh La Thăng nói.
Đồng tình với quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần đẩy mạnh tự chủ y tế gắn với xã hội hóa. Nhiều BV tư nhân khang trang nhưng không có bệnh nhân, vậy tính cơ chế phối hợp thế nào? Cho phép hợp tác bệnh viện công –tư, cho bác sĩ làm thêm ngoài giờ, đều đã có quy định hết rồi. Vấn đề này tiếp tục bàn để làm tốt.
Lập thêm đơn vị nhưng không được tăng biên chế
Theo Thủ tướng, các đơn vị được giao quyền tự chủ có thể nghĩ ra cách làm hiệu quả nhưng không được phép tăng biên chế được giao, thậm chí rất khuyến khích giảm 10% biên chế theo tinh thần như Bộ Chính trị đã kết luận. Nếu đưa ra khỏi biên chế bằng việc thực hiện chính sách 2 người thì được đưa vào 1, còn ưu tiên cho những việc ở những cơ quan, những nơi cần phải tăng biên chế, có yêu cầu mà cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Trở lại với những vướng mắc mà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Chị Tiến thực hiện luật để đấu thầu thuốc hay làm ban quản lý tập trung với tinh thần không tăng biên chế, sắp xếp điều chỉnh biên chế trong ngành thì tôi đồng ý. Tôi cũng đã đồng ý với nhiều nơi như thế”.
Thủ tướng dẫn chứng: gần đây, một số nơi theo kết luận của Trung ương có lập Sở Du lịch. Một số trung tâm du lịch lớn thì đồng ý cho lập nhưng phải làm rõ trong đề án vị trí việc làm, biên chế tổ chức và tổng biên chế một tỉnh đó không được tăng. “Đồng ý như thế thì làm. Bây giờ luật có rồi, ta thực hiện đấu thầu tập trung thì phải có người làm, có tổ chức, có con dấu nhưng đừng tăng biên chế” – Thủ tướng nhắc lại.
Thủ tướng cũng lưu ý, Bệnh viện mà cứ lấy bác sĩ, cán bộ y tế đi làm BQL dự án là hại anh em. Giáo dục mà trường nào lấy thầy giáo đi làm Ban quản lý dự án thì còn khổ anh em nữa. Văn phòng Chính phủ xây dựng một công trình thì nhờ Cục Doanh trại của Bộ Quốc phòng lập ban quản lý dự án chuyên nghiệp quản lý từ ngày đó đến giờ (nghiệm thu, kiểm toán, xong văn phòng là sử dụng). Còn Trung tâm Hội nghị quốc gia, nhà Quốc hội là do Bộ Xây dựng lập Ban quản lý dự án chuyên nghiệp để tuyển người biết nghề, việc việc, làm đúng pháp luật, làm xong nghiệm thu và bàn giao.
“Y tế mà cứ lấy bác sĩ ra làm là chết vì người ta đâu có chuyên môn. Muốn lập Ban quản lý dự án để quản lý các dự án, công trình thì phải có tổ chức theo luật, nghị định. Vấn đề là làm sao biên chế không đi lên. Tinh thần cải cách là như vậy nhưng không cứng nhắc tới mức việc cần mà không tăng. Cái gì giảm được thì mạnh dạn giảm, kể cả tổ chức, biên chế. Cái gì cần thiết, nhiệm vụ đặt ra mà luật đã qui định, chúng ta cần có tổ chức, biên chế thì làm đề án và phê duyệt để theo đúng thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ” – Thủ tướng nói.
Việc đấu thầu thuốc theo Quyết định 08, theo Thủ tướng, nếu thấy không phù hợp thì điều chỉnh theo hướng các bệnh viện trung ương trên địa bàn các thành phố lớn được thực hiện theo những qui định cụ thể./.