Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

'Đôi lúc chúng em giống như một con chuột bạch'

HÀ PHƯỢNG

(PLO)- Hơn 150 HS THPT đã có buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM với chủ đề “Tiếng nói của học sinh thành phố Hồ Chí Minh” lần 8 - năm 2016, diễn ra sáng 29-3.

Một trong những ý kiến được các HS hưởng ứng đồng tình lớn đó là ý kiến đến từ bạn Nguyễn Thị Kim Sang, THPT Sương Nguyệt Anh. Theo Kim Sang, việc thay đổi hình thức thi THPT quốc gia cho các học sinh nên thật sự thống nhất để tránh làm các em không thích nghi được.

Em mong muốn lãnh đạo có một hình thức thi nào đó thật là khả thi và áp dụng lâu dài chứ không phải mỗi năm đổi một lần. Năm nào cũng thay đổi sẽ tạo ra cho các em học sinh một áp lực rất lớn. Em thấy đôi lúc chúng em giống như một con chuột bạch của Bộ giáo dục” - Sang nói.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng chuyện thay đổi hình thức thi là chủ trương của Bộ chứ không phải của Sở. Và hình thức thi THPT quốc gia năm nay sẽ giống với năm ngoái, chỉ có chỉnh sửa một số vấn đề cho hợp lý hơn. Ông Sơn cũng cho rằng các thầy cô sẽ cố gắng đóng góp ý kiến để kỳ thi THPT Quốc gia ổn định hơn và không có quá nhiều thay đổi gây khó khăn cho các em.

Tại buổi đối thoại, bạn Lê Trung Minh, THPT Chuyên Lê Hồng Phong phát biểu rằng, học sinh THPT ở Việt Nam nên có nhận thức tốt hơn về những vấn đề của TP nói riêng và vấn đề đất nước nói chung.

“Ở Nhật Bản ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường các bạn đã có cơ hội cống hiến phần nhỏ sức lực của mình vào việc chung của đất nước, em nghĩ có lẽ tất cả học sinh cả nước không nói gì TP.HCM đều biết đến những tranh chấp cũng như mâu thuẫn trên biển, đảo ở nước ta. Tuy nhiên, những phương tiện để các bạn có thể cụ thể hóa những mong muốn nguyện vọng cũng như hành động của mình hướng về biển, đảo còn rất hạn chế” - Minh trình bày.

Minh mong muốn Sở tạo điều kiện có một chuyến đi thăm Hoàng Sa, Trường Sa để các bạn được chứng kiến cuộc sống biển, đảo. Để hiểu và về tuyên truyền với các học sinh trong trường biết mình thấy cái gì, ăn cái gì để mọi người yêu thêm đất nước mình.

“Trong tất cả nhà trường hiện nay, từ các trang mạng đều có rất nhiều phong trào, vấn đề biển, đảo. Nhưng không phải dễ để có thể thực hiện nguyện vọng của các em vì có nhiều vấn đề và để đảm bảo an toàn cho các em nên việc đi biển, đảo còn rất hạn chế. Nếu đến một lúc nào đó có thể được ra biển, đảo thì Sở sẽ xem xét” - ông Sơn kết luận tại buổi đối thoại.