Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Chạy!

Nguyễn Sĩ Dũng

LĐO - Giỏi giang không bằng giỏi "chạy". Chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… và chạy tội là một sự “đa dạng sinh học” kể mãi không hết. Chạy chọt là chuyện đáng bị chê trách, nhưng nhiều khi không chạy không xong. Và nguyên nhân nằm ngay trong cách thức tổ chức công việc của chúng ta. 

Bạn đã bao giờ phải đi xin được cấp nước sạch hay cấp điện chưa? Vậy thì bạn hiểu tất cả. Không có cơ hội để lựa chọn, thì chạy là một sự cần thiết khách quan.

Ngược lại, khi xung quanh bạn là vô số các nàng tiếp thị bia, và nàng San Miguel còn  xinh hơn cả nàng Tiger, thì bạn chạy bia để làm gì? Các công ty cung cấp nước sạch, các công ty điện lực được sinh ra là để phục vụ. Các công ty bia lại được sinh ra chỉ để kiếm lời. Cả hai loại đều nhằm đáp ứng các nhu cầu của bạn. 

Nhưng hễ cứ “phục vụ” là sẽ khác xa với việc kiếm lời. Những người kiếm lời giàu lên nhờ sự tận tuỵ đối với bạn và cạnh tranh với nhau. Những người “phục vụ” ngược lại, chỉ có lợi khi gây khó khăn cho bạn và giữ được vị thế độc quyền.

Thế thì tại sao không dẹp bỏ sự độc quyền “phục vụ” và áp dụng cơ chế thị trường trong việc cung cấp dịch vụ công? Kể cả đối với những dịch vụ khó sinh lãi thì Nhà nước vẫn có thể tạo ra cạnh tranh thông qua việc bù giá trên doanh thu. Làm được như vậy là cách trước tiên để loại bỏ được hiện tượng ''chạy''.

Một ví dụ khác, nếu bạn là ông chủ tư nhân, bạn có phải chạy chức giám đốc không? Rõ ràng là không. Ai cũng có quyền làm giám đốc doanh nghiệp của mình; mặc dù không phải ai cũng có năng lực để làm như vậy. Trong trường hợp này, thuê giám đốc là một sự cần thiết. 

Tuy nhiên, khó có thể xảy ra chuyện bạn thuê ai đó vì người ta ''chạy'' bạn. Đơn giản là vì khác với các doanh nghiệp nhà nước, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho một sự ban ơn như vậy bằng chính tài sản của mình. Như vậy, khi quyền quyết định được phi tập trung hoá và gắn với lợi ích cá nhân thì người ta không cần phải chạy và không thể chạy.

Ví dụ thứ ba, nếu tất cả quyền lực đều tập trung ở trung ương, thì việc ''chạy'' trung ương là một sự cần thiết. Tuy nhiên, nếu các quyền lực được phi tập trung hóa thì sự cần thiết như vậy sẽ không còn.

Với quy định mới của Hiến pháp (năm 2013) “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương” (khoản 2, Điều 112), lần đầu cơ sở để phi tập trung hóa đã được hiến định một cách chính thức. 

Triển khai quy định nói trên của Hiến pháp là cách quan trọng nhất để khắc phục hiện tượng chạy chọt.