CAND - Trong khi chất cấm trong chăn nuôi salbutamol vẫn đang hiện diện trong thịt lợn, đầu độc người tiêu dùng dù cơ quan chức năng đã “mạnh tay” truy tìm, xử lý thì việc phối hợp quản lý nhập khẩu, sử dụng chất này giữa các bộ liên quan lại đang lỏng lẻo, không chặt chẽ. Thậm chí, đang có hiện tượng Bộ nọ “đùn đẩy” trách nhiệm cho Bộ kia.
Bộ này cấm, Bộ kia lại cho nhập thoải mái
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với nội dung không đồng tình với những nhận định của các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ NN&PTNT.
Cụ thể, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, TP sơ kết 3 tháng cao điểm ATTP diễn ra vào đầu tháng 3 tại Bộ NN&PTNT, Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường đã công bố thông tin, trong 2 năm 2014 và 2015, qua kiểm tra đã cho thấy, chất salbutamol được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu cho 20 doanh nghiệp.
Theo ông Thông, đã có 16 doanh nghiệp nhập khẩu về với khối lượng hơn 9.100kg. “Kiểm tra kho hàng của các công ty nhập khẩu cho thấy, chỉ còn khoảng 3 tấn, như vậy 6 tấn đã bán ra thị trường. Trên thực tế, việc sử dụng salbutamol đúng mục đích chỉ được hơn 10kg”, ông Thông nhận định.
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng đã sử dụng thông tin điều tra của Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường để thông tin tới báo chí trong các lần phỏng vấn sau đó. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho rằng, thông tin chỉ có 10kg salbutamol trong tổng số 9.100kg nhập về sử dụng đúng mục đích là không chính xác.
Văn bản Bộ Y tế nêu rõ, đối với lĩnh vực y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay. Salbutamol sẽ được xem xét nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp. Nguyên liệu salbutamol, thuốc chứa salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, tuy nhiên chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Việc nhập khẩu nguyên liệu salbutamol làm thuốc thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29-12-2010. Trong khi đó, ngày 4-9-2014, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư 28/2014/TT-BNNPTNT về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, trong đó có salbutamol.
Đại diện Cục Quản lý dược – Bộ Y tế khẳng định: “Thông tư này Bộ Y tế không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được từ Bộ NN&PTNT khi ban hành để phối hợp quản lý”. Cục Quản lý Dược cũng cho biết, thực tế, từ 4-12-2015 đến 30-12-2015, đơn vị này đã phối hợp với Bộ Công an kiểm tra 10 cơ sở nhập khẩu salbutamol, qua đó phát hiện 4 cơ sở vi phạm bán nguyên liệu salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.
Qua văn bản trên, có thể thấy, việc cấp phép nhập khẩu và hậu kiểm các doanh nghiệp nhập khẩu hoạt chất gây độc salbutamol về nước không được kiểm soát chặt chẽ. Và mỗi Bộ có một cách quản lý khác nhau về cùng một chất.
Và sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT trong việc quản lý chất cấm chăn nuôi này lại rất lỏng lẻo. Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi cung cấp thực phẩm cho người với lý do thời gian qua, hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam đã ăn thịt lợn có chất cấm gây ung thư. Ngược lại, Bộ Y tế lại cho nhập để làm thuốc chữa bệnh cho người.
Không vì lợi ích một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến hàng chục triệu người
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trung bình 1 con lợn đạt 100-110kg sẽ xuất chuồng, nhưng nếu cho ăn salbutamol sẽ đạt 130kg/con, và đùi, vai nở… Ở giai đoạn kích nạc (khoảng 80kg), mỗi ngày một con lợn tiêu thụ hết 3,3kg thức ăn. Tính toán đơn giản cũng thấy, trong tháng tăng trọng này, một con lợn sử dụng hết khoảng 100kg cám có trộn chất cấm.
Tiếp tục làm phép tính nhân sẽ thấy, với mỗi kilogam chất cấm (sabultamol) nguyên chất thường được pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Như vậy, 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường sẽ có khoảng 600.000 tấn thức ăn cho lợn có chứa chất cấm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị Bộ Y tế giám sát chặt việc nhập khẩu các chất cấm và tình hình sử dụng kháng sinh hiện nay. “Tôi cũng đề nghị Bộ Công an cùng vào cuộc, tìm ra đầu nậu và đường dây buôn bán các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi để triệt tận gốc.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác, không khác gì buôn bán ma túy. Chúng ta phải cùng nhau làm quyết liệt, dứt khoát phải chặn đứng tình trạng này, còn vào cuộc đều đều như thời gian vừa qua thì cứ chìm xuống rồi lại bùng lên. Không thể chấp nhận tình trạng vì lợi ích của một vài cá nhân mà gây ảnh hưởng tới sức khỏe hàng chục triệu người”, ông Phát bức xúc.
Còn theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), chất salbutamol hiện Bộ NN&PTNT thì cấm dùng trong chăn nuôi nhưng Bộ Y tế lại cho nhập về làm thuốc, song lại không quản lý theo dạng phải quản lý chặt chẽ, để cho doanh nghiệp bán ra ngoài, sử dụng sai mục đích.
Ông Thịnh khẳng định: “Rõ ràng có sự lỏng lẻo trong quản lý, lỏng lẻo trong phối hợp, mạnh Bộ nào Bộ ấy làm nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay. Dù Bộ Y tế vừa đưa salbutamol vào danh mục quản lý chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là “hòa cả làng”. Đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, xem doanh nghiệp nào bán ra ngoài, sử dụng sai mục đích để xử lý thích đáng theo quy định của luật pháp, chứ không phải chỉ xử lý theo quy định riêng của mỗi Bộ là không sòng phẳng với người tiêu dùng”.
TS Nguyễn Duy Thịnh nêu ý kiến, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT có “cãi nhau” thì cũng không thay đổi được thực tế, hàng triệu con lợn đã bị dùng chất cấm, người tiêu dùng đã ăn thịt lợn nhiễm chất cấm độc hại. “Cứ đổ qua đổ lại trách nhiệm cho nhau thì người dân lãnh đủ.