Dân Trí - Thực trạng đấu thầu tập trung khiến các bệnh viện phải chờ thuốc trong danh mục được duyệt dẫn đến thiếu thuốc, ảnh hưởng tới chất lượng điều trị. Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu, việc đấu thầu phải đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết, chuyển quyền tự quyết về cho các bệnh viện.
“Sở Y tế tự đá bóng, tự thổi còi”
Đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế là một trong những vấn đề “nóng” trong buổi làm việc giữa Bộ Y tế và UBND thành phố Hồ Chí Minh cùng các ban ngành liên quan. Báo cáo của TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho thấy, từ cuối năm 2013 đến nay, UBND thành phố đã giao Sở Y tế tiến hành đấu thầu thuốc tập trung cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn nhằm bảo đảm mua thuốc có chất lượng, hiệu quả, an toàn, giá cả hợp lý, thống nhất, ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
Tính riêng năm 2015, thành phố đã tiến hành đấu thầu gói biệt dược gồm 504 mặt hàng có giá trị hơn 3.720 tỷ đồng; gói Generic gồm 1.959 mặt hàng có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Sở Y tế cho rằng, việc đấu thầu tập trung đang giúp người bệnh đến điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn được hưởng mức giá hợp lý và tiết kiệm. Tuy nhiên, phân tích của các nhà quản lý chỉ ra, việc đấu thầu tập trung đang tồn tại quá nhiều vấn đề bất cập.
PGS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Đấu thầu tập trung là vấn đề có những cái lợi và cái hại. Cái lợi ở đây là giúp đơn vị bảo hiểm y tế khỏe khi không phải bàn cãi giá thuốc và có quy chế giám sát đơn giản. Tuy nhiên, với đặc thù của thị trường manh mún nhỏ lẻ, đấu thầu tập trung làm sao tìm được mẫu số chung, đảm bảo tiến độ cung ứng thuốc cho các cơ sở là rất khó. Thời gian qua, đấu thầu tập trung đã diễn ra đại trà nhưng thiếu nhân lực chuyên nghiệp nên phải sắp xếp vội vàng. Ngay trong Sở Y tế, Giám đốc Sở kiêm luôn cả chức Giám đốc Trung tâm đấu thầu nên đang tồn tại tình trạng Sở tự đá bóng, tự thổi còi”.
Việc đấu thầu trang thiết bị cũng đang là rào cản khiến các bệnh viện không thể chủ động đầu tư trang thiết bị, phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu phục vụ bệnh nhân. BS Phan Văn Báu, Giám đốc bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết: “Là một bệnh viện phát triển nhiều kỹ thuật cao trên địa bàn thành phố nhưng 3 năm qua, chúng tôi không thực hiện được việc mua sắm công, bởi bệnh viện chỉ được mua thiết bị dưới 500 triệu, thiết bị cao hơn mức giá trên thì phải thông qua đấu thầu. Nhưng trong bối cảnh nhân lực của Trung tâm đấu thầu tập trung hạn chế, không đủ đáp ứng khiến các gói thầu rất khó triển khai”.
Trả quyền tự chủ trong đấu thầu cho các bệnh viện
Trước thực trạng trên, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM, đặt vấn đề: “Đấu thầu thuốc, trang thiết bị tại Sở Y tế hay đấu thầu ở bệnh viện thì người bệnh được lợi nhất? Việc quản lý kê toa thuốc như hiện nay có còn tình trạng ăn “hoa hồng” không? Đấu thầu tập trung liệu đã chọn được thuốc tốt, giá cả hợp lý chưa?”.
Trước những câu hỏi của Bí thư Thăng, một số ý kiến cho rằng, “tiền nào của đó”, thuốc chất lượng phải đi kèm với giá phù hợp chứ không thể có giá rẻ mà thuốc tốt được. Hiện tình trạng các bác sĩ bệnh viện né tránh không kê đơn thuốc bảo hiểm mà kê đơn thuốc ngoại giá cao để ăn “hoa hồng” đang diễn ra rất phổ biến khiến người dân mất quyền lợi bảo hiểm và phải mua thuốc với giá cao. Bộ Y tế cần có sự điều chỉnh trong Luật Dược với các điều khoản hạn chế tầng nấc trung gian từ sản xuất đến tay người bệnh, giảm tình trạng “hoa hồng” trong kê đơn, bán thuốc.
Về vấn đề đấu thầu như thế nào là hợp lý, PGS Phong Lan cho rằng: “Với cơ chế tự chủ về mặt tài chính các bệnh viện đang triển khai thì Nhà nước không phải chi tiền nhưng muốn mua sắm cái gì bệnh viện cũng phải xin. Điều đó khiến bệnh viện không phát huy được tính chủ động, sáng tạo, họ đang cố gắng vùng vẫy nhưng không thể tự gỡ trói. Trong khi đó, hệ lụy của việc đấu thầu khiến tần suất đón thanh tra, kiểm tra của cả lực lượng quản lý y tế lẫn công an diễn ra với mật độ dày đặc, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác chuyên môn của bệnh viện”.
Đồng quan điểm với PGS Phong Lan, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng: “Cần phải có cơ chế đấu thầu riêng cho từng bệnh viện. Nếu bệnh viện sử dụng vốn ngân sách thì việc đấu thầu phải thông qua Sở Y tế phê duyệt. Nhưng bệnh viện đã tự chủ về tài chính thì cũng phải được tự chủ trong đấu thầu, tiền của bệnh viện mà Sở quyết định đấu thầu là không hợp lý”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: “Ngành y tế chủ trương tổ chức đấu thầu tập trung các mặt hàng thuốc rồi đến trang thiết bị. Việc lập ra Trung tâm đấu thầu không phải là đứng ra để đi mua sắm mà đấu thầu để định ra mức giá chung, trên cơ sở đó các đơn vị tiến hành tự mua… Không có mô hình đấu thầu nào hoàn hảo cả, chúng ta đang chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường nên phải có giai đoạn mò mẫm”.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị trả lại quyền tự chủ trong đấu thầu cho các bệnh viện. “Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm phân cấp cho các bệnh viện tự chủ cho toàn quyền trong đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, kể cả phân cấp về tài chính, cán bộ. Trừ một số loại thuốc cần thiết phải đấu thầu tập trung, còn lại các bệnh viện có thể tự đấu thầu, không nhất thiết phải bó buộc trong danh mục thầu của Sở. Cơ chế phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bệnh viện tự chủ, có thế mới mang lại quyền lợi cho người bệnh. Nhưng các bệnh viện tự chủ trong đấu thầu, nếu sai sót giám đốc phải chịu trách nhiệm”.