(TBKTSG Online)- Mọi sự chú ý dường như cứ tập trung vào nguyên nhân cá chết ở nhiều tỉnh ven biển miền Trung. Mà đúng là biết nguyên nhân lúc đó mới khắc phục được hậu quả một cách lâu dài; chưa biết nguyên nhân cũng khó quy kết trách nhiệm; nguyên nhân thì phải được củng cố bằng chứng cứ khoa học và chứng cứ pháp lý.
Do đó chúng ta có thể thông cảm được với sự cẩn trọng của đại diện Chính phủ khi khẳng định các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết ở các tỉnh miền Trung nhưng lại không nói ra đó là nguyên nhân gì, có thể vì chưa có chứng cứ pháp lý làm cơ sở ràng buộc trách nhiệm.
Thế nhưng trong sự cố cá chết có ba, bốn vấn đề tách biệt, trong đó tìm và công bố nguyên nhân chỉ là một.
Ngay cả thông tin đã công bố “các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân cá chết” cũng có thể bổ sung nhiều chi tiết có tác dụng trấn an người dân, lôi cuốn họ cùng vào cuộc chứ không phải chỉ ngồi chờ. Đó là các thông tin các nhà khoa học đã làm gì, ở thời điểm nào, lấy mẫu như thế nào, những khó khăn gặp phải, những nỗ lực chung của hàng trăm con người, những tranh luận về chứng cớ… Có thể ai đó nghĩ người dân bình thường biết chuyện chuyên môn làm gì! Đó là do họ không hiểu thông tin đầy đủ sẽ lấp đầy khoảng trống, không cho thông tin nhiễu, thông tin sai chen vào.
Ba bốn vấn đề tách biệt nói trên là gì? Đó là thực tế, cá chết làm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân địa phương và là nỗi lo của người dân cả nước.
Vấn đề quan trọng, vì thế, là tìm cách hạn chế tác động tiêu cực lên đời sống ngư dân, lên lòng tin của người dân không biết đã tiêu thụ hải sản được chưa, lên hoạt động du lịch ở các địa phương bị ảnh hưởng, lên cả những ngành sản xuất mang tính lâu dài như sản xuất nước mắm, muối… Sự tê liệt về góc độ cung cấp thông tin chỉ vì chưa thể nói nguyên nhân cá chết làm mọi nỗ lực khắc phục tác động tiêu cực này bị ảnh hưởng.
Lẽ ra Chính quyền phải có những thông tin cập nhật khác (không nhất thiết phải là nguyên nhân cá chết) thường xuyên, đầy đủ, xem cá còn chết hay đã hết; liên tục công bố kiểm nghiệm chất lượng nước biển, chất lượng hải sản đánh bắt trong vùng để khi thì đưa ra khuyến cáo khi thì bảo đảm sự an toàn cho sản phẩm không bị ảnh hưởng. Phải khoanh vùng sản xuất, cấp giấy chứng nhận cho vùng chắc chắn an toàn, hỗ trợ các nơi phải ngưng vì chưa bảo đảm các điều kiện đặt ra…
Phải có những chiến dịch quảng bá cho các đoàn tàu đánh bắt xa bờ, không liên quan đến các vùng có cá chết, thậm chí huy động các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thường tham gia “xã hội hóa” để hỗ trợ việc tiêu thụ cho ngư dân.
Bây giờ nói qua chuyện Formosa.
Nếu Formosa đặt ống xả ngầm là sai như phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thì nay phải công bố kết luận khắc phục. Hay, theo thông tin từ cơ quan thuế Hà Tĩnh mà các báo đã đăng tải trong tuần trước, cứ kiểm tra thuế, hải quan ở Formosa là phát hiện sai phạm như vậy không lẽ chỉ truy thu thuế rồi thôi.
Tại sao trước mắt không tập trung bắt doanh nghiệp này khắc phục sai sót ngay. Ví dụ đường ống xả thải làm sai quy định thì dễ nhất là bắt ngưng sản xuất, dù mới sản xuất thử nghiệm để làm lại. Bắt Formosa ngưng toàn bộ hoạt động, liên quan đến xả thải hay súc rửa đường ống có dùng hóa chất cũng là cách để kiểm tra lại môi trường nước biển ở khu vực này, xem có thay đổi so với trước, từ đó có thể quay ngược trở lại với các hành vi xả thải trước đây.
Có lẽ trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng cũng rà soát quy trình xả thải của các doanh nghiệp khác trong khu Vũng Áng, tại sao không công bố kịp thời các nỗ lực này, kiểm tra việc tuân thủ đến đâu thì công khai đến đó, nhờ vậy người dân cũng có điều kiện để giám sát xem thử có đúng vậy không.
Sai phạm đã khẳng định của Formosa có vai trò của các quan chức địa phương, ít ra là sự thiếu vắng tinh thần trách nhiệm trong vai trò quản lý của mình. Thế thì tại sao chưa có những biện pháp ban đầu để lập lại kỷ cương, làm bài học cho cán bộ các nơi khác, các địa phương cũng có những nhà máy phải xả thải như thế.
Báo chí khi cạnh tranh trong nỗ lực đưa tin chính xác, khách quan trung thực đến với người dân sẽ buộc tờ nào muốn giật gân, câu khách bằng thông tin sai hay thổi phồng phải chịu trách nhiệm và bị báo khác vạch trần ngay lập tức. Một khi báo chí có thông tin đầy đủ, mạng xã hội lúc đó sẽ không còn đất cho những đồn đoán, suy diễn hay “thuyết âm mưu”. Và chính mạng xã hội cũng sẽ vạch trần các bài báo mang tính câu view như chúng ta đã thấy.
Phải thấy sự cố cá chết là một cơ hội – cơ hội nâng cao nhận thức của cán bộ địa phương về các vấn đề môi trường mà có thể trước đó họ bỏ qua, cơ hội soát xét lại các quy định về bảo vệ môi trường, các dự án có rủi ro gây ô nhiễm môi trường mà trước đây do cạnh tranh giữa các địa phương, có nơi đã dễ dàng bỏ qua để cấp phép. Vấn đề càng nóng hổi thì ý thức đó càng cao; để nó nguội lạnh thì tinh thần trách nhiệm có nguy cơ nguội lạnh theo.