(Dân trí) - Giá như cuộc đối thoại này diễn ra sớm hơn, không để kéo dài đến hơn 10 ngày (từ ngày 26/2 đến nay đã là 7/3) thì đã không có chuyện khởi tố vụ án, tức là không có người dân nào đó bị tù đày. Nhưng đành an ủi, “muộn còn hơn không”, phải không các bạn?
Một thông tin rất đáng phấn khởi, đó là tại buổi đối thoại với ngư dân Sầm Sơn, Thanh Hóa, Bí thư Trịnh Văn Chiến đã nhận khuyết điểm đồng thời về cơ bản, đã đồng ý với những kiến nghị chính đáng của người dân.
Theo báo Dân trí, tại cuộc đối thoại, Bí thư Trịnh Văn Chiến nói: “Việc xảy ra như những ngày vừa qua là rất đáng tiếc. Dù bất cứ ở góc độ nào, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hóa, tôi thấy có khuyết điểm và có trách nhiệm với bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn".
Đồng thời, ông Chiến khẳng định: "Biển là của đất nước, trong đó có người Sầm Sơn. Biển phải có Nhà nước quản lý bằng pháp luật hiện hành và phát triển đi lên gắn với lợi ích của nhân dân. Không có chuyện tỉnh thu bờ biển giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào".
Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Trịnh Văn Chiến khẳng định: "Thứ nhất, bà con nào đồng ý với chủ trương chính sách của tỉnh thì nhận tiền. Thứ hai, bà con nào mà vì nhiều lý do khác nhau, chưa thông với chủ trương của tỉnh thì vẫn làm bình thường như lâu nay, cứ đi thuyền, cứ khai thác và cứ đậu thuyền. Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh, đến thị xã Sầm Sơn, tập trung chỉ đạo, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân, tổ chức điều tra những cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước, hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội".
Chuyện Bí thư “thua dân” không mới ở Thanh Hóa. Cách đây 4 năm (5/2012), bà con tiểu thương Bỉm Sơn đấu tranh đòi UBND thị xã hủy quyết định giao chợ Bỉm Sơn cho một công ty tư nhân. Đỉnh cao là từ ngày 9 đến 12.5/2012, hơn 400 tiểu thương đã “tụ tập” trước cổng Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh.
Trái với cách làm của không ít địa phương là dùng biện pháp cưỡng chế, ngày 14.5, ông Mai Văn Ninh khi đó là Bí thư Tỉnh ủy đã gặp, nói chuyện với gần 800 tiểu thương, mạnh dạn chỉ ra những cái sai của chính quyền địa phương, yêu cầu xử lý những cá nhân sai phạm… và cuối cùng, ông chấp nhận: Nghe dân!
Đây là “trận thua ngoạn mục” của người đứng đầu Thanh Hóa và khi đó, đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của nhân dân và báo giới.
Trở lại với vụ “thua dân” mới đây của Bí thư Trịnh Văn Chiến, qua tường thuật của phóng viên Dân trí cho thấy đây là cuộc đối thoại công khai, thẳng thắn, nghiêm túc, thể hiện tinh thần cầu thị, chú ý lắng nghe ý kiến nhân dân của lãnh đạo Thanh Hóa nói chung, Bí thư Trịnh Văn Chiến nói riêng. Sự nghiêm túc đến từng một chữ cũng được Bí thư Chiến “chỉnh sửa” một cách chính xác, hợp lòng dân.
Đó là khi ông Chiến nói: "Qua tuyên truyền, vận động tôi được biết rất nhiều bà con ủng hộ chủ trương, chính sách của tỉnh và muốn nhận tiền nhưng do một bộ phận tác động, do có níu kéo nên chưa dám thực hiện nguyện vọng của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy một bộ phận bà con chưa đồng tình với chủ trương, chính sách của tỉnh. Đúng không ạ?" - ông Chiến hỏi.
“Chưa đúng” - Người dân đáp lại.
"Cơ bản đa số bà con chưa đồng tình với chủ trương chính sách của tỉnh. Tôi nói lại vậy được chưa?" - Ông Chiến “đính chính” lại.
Cả hội trường đồng thanh trả lời: “Được”...
Chỉ một đoạn đối thoại này thôi, đã thấy thái độ thẳng thắn của cuộc đối thoại.
Xin chúc mừng nhân dân Sầm Sơn, chúc mừng Bí thư Trịnh Văn Chiến đã biết “thua dân” một cách ngoạn mục.
Chỉ tiếc, giá như cuộc đối thoại này diễn ra sớm hơn, không để kéo dài đến hơn 10 ngày (từ ngày 26/2 đến nay đã là 7/3) thì đã không có chuyện khởi tố vụ án, tức là không có người dân nào đó bị tù đày.
Nhưng đành an ủi, “muộn còn hơn không”, phải không các bạn?