Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Thương ông Trưởng thôn thu lại quà; cô giáo bật khóc...

Mi An

Đất Việt - Độc giả bức xúc khi biết tin sau khi đoàn cứu trợ đi khỏi, trưởng thôn đến thu lại quà của dân, nhưng đằng sau đó là biết bao nỗi niềm.

Mấy ngày hôm nay, khi thông tin về các đợt cứu trợ dày đặc trên các báo, thì người đọc lại cũng tỏ ra bức xúc với nhiều trường hợp trưởng thôn đến nhà thu lại tiền cứu trợ của người dân. Ở Nghệ An, ở Quảng Bình, một vài trường hợp có gia đình nhận được cứu trợ 500 ngàn thì bị thu lại 400, có gia đình nhận được 2 triệu đồng thì bị thu gần hết chỉ còn có 60 ngàn.

Nói chung, theo tâm lý thông thường, bạn đọc bắt đầu trút hết sự phẫn nộ, bức xúc xuống những ông trưởng thôn, bởi điều đầu tiên mà mọi người nghĩ đến là chắc chắn các trưởng thôn thu lại tiền để tư túi chứ chẳng sai. Nhưng kỳ thực, trên báo chí, nỗi lòng của những người làm trường thôn- hay còn gọi là “người vác tù và hàng tổng” cũng đã dần dần được giãi bày.

Việc thu lại tiền cứu trợ của dân, về nguyên tắc là không hợp lý bởi không địa phương nào có chủ trương này mà chỉ là “sáng kiến” của một số trưởng thôn, muốn thu lại để rồi sau đó chia đều cho các gia đình, ai cũng có phần. Bởi mỗi đoàn cứu trợ đến, số quà không thể nào “phủ kín” toàn bộ những hộ dân bị thiệt hại trong thôn. Ví dụ, có đoàn chỉ cho được 100 suất quà, trong khi thôn lại có những 300 hộ bị thiệt hại, trưởng thôn cực chẳng đã phải đứng ra làm cái việc chẳng đặng đừng: thu lại tiền để sau đó san sẻ cho những hộ khác.

Ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng thôn Tân Đông xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), nơi có hiện tượng thu lại tiền chia đều cho biết: “Các đoàn cứu trợ được bao nhiêu thì cám ơn bấy nhiêu, việc chia đều do lũ ai cũng như ai, chia ra để người trong thôn ổn định".

Cũng thật may mắn là cho đến giờ, chưa phát hiện ra trường hợp nào, trưởng thôn thu lại tiền cứu trợ để tư túi, bớt xén “cướp cơm” của bà con, nếu không thì sự phẫn nộ của dư luận sẽ còn gay gắt nhiều hơn nữa.

Có lẽ cũng cần phải thông cảm với công việc của các trưởng thôn, khi các đoàn cứu trợ rút đi, họ sẽ phải đối mặt với những phàn nàn của các hộ dân, rằng tại sao nhà tôi không được cứu trợ, bởi vậy liệu pháp “thu lại rồi chia đều” có lẽ sẽ làm yên lòng những nhà còn lại.

Hôm qua, trên facebook một đồng nghiệp của tôi cũng chia sẻ một câu chuyện đau lòng từ mùa lũ năm 2013: “Mình từng chứng kiến một cô giáo ở Quảng Trạch (Quảng Bình) tái xanh mặt, khóc òa khi bị "phát hiện" lấy một phần món quà của học sinh được nhận trong đợt cứu trợ bão 2013, để chia cho những học sinh không được nhận trong lớp, nên phần nào mình hiểu được câu chuyện của ông trưởng thôn thu lại tiền của người dân.

Cô giải thích lớp cô có 45 em, hầu hết của cải gia đình đều mất trắng trong bão, lụt. Đoàn trao quà về, nhà trường chỉ phân cho lớp chỉ có 20 suất. Khi họp lớp, nhìn các em bình bầu, ánh mắt thơ ngây trông ngóng có được phần qua, nước mắt cô chảy dài. Không bầu được ai khổ hơn ai, cuối cùng, cả lớp thống nhất cử 15 em nhận về sau đó san sẻ lại cho các em khác "lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Vậy đấy, một câu chuyện khiến trái tim tôi thắt lại. Nếu không biết được lý do đằng sau chuyện cô giáo “thu lại phần quà để chia đều cho các cháu khác”, hẳn là có nhiều người sẽ lên tiếng “phê bình cô giáo dữ dội”. Nhưng nào ai biết được, cô giáo mới là người phải đối mặt với những ánh mắt ngây thơ của bọn trẻ. Đứa bé nào cũng mong mỏi sự công bằng, mong được nhận một chút quà cứu trợ, dù ít hay nhiều.

Không người lớn nào có thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy những đứa trẻ buồn vì không có quà, vì vậy cô đã phải nghĩ ra cách: cử 15 em lên nhận quà rồi về chia đều cho các bạn, bởi không thể bình bầu xem “ai khổ hơn ai”.

Nỗi khổ tâm của những người trong cuộc không phải ai cũng thấu hiểu, vì vậy mong rằng trước khi buông lời phẫn nộ với những người phải đứng ở vị trí “chia phần”, chúng ta hãy lắng lại một chút, để hiểu cái khó của họ.

Giá như dân chúng ta không còn cái cảnh nhà cửa vườn tược của dân nghèo chìm trong lũ lụt.

Giá như chúng ta có đủ bình tĩnh, hiểu biết để thoát khỏi những điều tiếng eo xèo làm buồn lòng cả người trao quà, người nhận quà và người chia quà.