Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Chúng ta đã sẵn sàng chung sống với nỗi sợ hay chưa?

Phạm Trung Tuyến

VNN - Cú “giơ chân” của viên cảnh sát giao thông trên đường Xã Đàn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Anh ta đã bị đình chỉ công tác. Đó là một quyết định không cần phải bàn luận thêm. Song, vì sao cảm xúc của xã hội lại có xu hướng đồng tình đối với hành vi lệch chuẩn này?

Phải chăng, nhận thức xã hội đã thay đổi, theo hướng sẵn sàng chấp nhận các hình thức chấp pháp mang màu sắc lạm quyền?

Vì sao công chúng dễ dàng chấp nhận việc một người thi hành công vụ có thể “giơ chân” như một cú đá vào một người chỉ vì một vi phạm hành chính? Bởi nhiều người không tin rằng hành vi vi phạm đó luôn được trừng phạt một cách thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều người mong muốn người thi hành công vụ có hành động trừng phạt lập tức, bằng mọi giá, dù không đảm bảo sự tôn nghiêm của luật pháp.

Thực tế cuộc sống đã mang đến những bài học trực quan để củng cố sự hoài nghi của số đông công chúng về những chuẩn mực, và sự tôn nghiêm của luật pháp. Tình trạng vi phạm luật giao thông, gây nguy hiểm cho cộng đồng đã trở thành phổ biến, trong sự bất lực của lực lượng chấp pháp. Nhiều người vi phạm nhưng dễ dàng thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp.

Bởi thế, sự trừng phạt, dù diễn ra theo cách nào cũng mang lại một cảm giác thỏa mãn tức thời. Cảm giác thỏa mãn tức thời ấy, cũng giống như chứng viêm họng nhanh chóng chấm dứt với một liều kháng sinh. Và cũng giống như việc dùng kháng sinh, những tác dụng phụ, và hậu quả của chứng lạm dụng kháng sinh, không dễ để đong đếm.

Số đông công chúng ủng hộ hành động chấp pháp lệch chuẩn của nhân viên công lực bởi họ tin rằng điều đó là cần thiết. Căn bệnh bất tuân pháp luật khi tham gia giao thông đã quá nặng, chế tài luật pháp không đủ sức răn đe, những chuẩn mực văn hóa không còn khả năng điều chỉnh, nền tảng đạo đức hết thiêng để uốn nắn... sự tuyệt vọng, sốt ruột của công chúng khiến họ tin rằng căn bệnh này cần được điều trị bằng một liều kháng sinh mạnh, ví dụ như hành động giơ chân trúng vào người vi phạm luật giao thông của nhân viên công lực.

Nhưng cũng giống như việc sử dụng kháng sinh, nếu được cổ vũ, và sử dụng một cách thường xuyên, và vô lối sẽ khiến cơ thể của chúng ta mất đi khả năng đề kháng, không thể tự điều chỉnh và thích ứng với những tác động khách quan, dẫn đến lạm dụng kháng sinh, và liều dùng mỗi lúc một tăng cao bởi nhờn thuốc, kháng thuốc.

Cổ vũ hành động của viên cảnh sát giao thông như báo chí đã phản ánh, như là một giải pháp cần thiết thì ý thức tôn trọng pháp luật của công chúng sẽ chỉ còn đơn thuần là nỗi sợ.

Nếu chỉ dựa vào nỗi sợ của người dân đối với người thi hành công vụ thì không có bất cứ quốc gia nào trên thế giới có đủ số cảnh sát để duy trì nỗi sợ hãi thường trực trên đường phố. Và cho dù có đủ số lượng nhân viên công lực để duy trì nỗi sợ hãi đi chăng nữa, thì chúng ta có sẵn sàng để sống chung cùng với nỗi sợ hãi hay không?

Quá trình hình thành văn minh của nhân loại là một quá trình chế ngự nỗi sợ hãi. Khi ai đó mong muốn duy trì nỗi sợ, đó là lúc họ sẵn sàng để triệt tiêu nhân tính, để bắt đầu một quá trình ngược dòng tiến hóa. Dĩ nhiên, đó là điều không ai mong muốn. Vậy thì căn bệnh bất tuân luật pháp sẽ phải điều trị như thế nào?

Những vết loét trên cơ thể con người thì cần đến kháng sinh, xã hội lệch chuẩn cũng cần có kháng sinh điều trị. Nhưng dùng thuốc an toàn cần theo đơn bác sĩ. Hành động của lực lượng chấp pháp, dù thế nào cũng cần phải tuân thủ  những giá trị pháp luật mà chính họ, đang có trách nhiệm bảo vệ và thi hành.