(TBKTSG) - Hai sự việc xảy ra gần đây cho thấy đạo đức của một số quan chức đang thực sự có vấn đề. Không ít quan chức đang mắc ít nhất hai tật xấu: một là hám danh vị, phô trương, thay vì coi việc đảm nhiệm một chức vụ nào đó trong bộ máy nhà nước là nhằm phục vụ nhân dân thì lại coi đó như một nấc thang danh vọng để khoe khoang; hai là thiếu trung thực, dối trên, đổ tội cho dưới, đánh lừa công luận thay vì thành thực nhận lỗi và biết tự xử khi bị phát hiện làm sai.
Vụ thứ nhất liên quan đến một ông tỉnh ủy viên, phó giám đốc một sở của tỉnh Nghệ An. Được bổ nhiệm làm phó giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn của một tỉnh vừa phải nhận 3.600 tấn gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Bính Thân vừa qua, ông đã tổ chức ăn mừng rình rang, với sân khấu, phông màn, băng rôn, ca nhạc hoành tráng. Nếu ông và bạn bè (quan chức) không đưa những hình ảnh buổi tiệc này lên trang facebook của ông, dư luận sẽ không hay biết và rồi có thể mọi việc sẽ trôi qua êm thắm với hóa đơn buổi tiệc chẳng biết do ai chi trả đây.
Vụ thứ hai xảy ra ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố kết quả kiểm tra Tổng công ty ĐSVN trong vụ đề xuất mua 164 toa tàu cũ đã qua sử dụng hàng chục năm của Trung Quốc và sẽ xem xét kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) tổng công ty, ông Trần Ngọc Thành, trong việc chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu đầu tư không đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Khi bị phát hiện sai phạm, lãnh đạo tổng công ty này đã đem “thí tốt” khi chỉ xem xét việc cách chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp - người thực hiện mệnh lệnh của mình. Như báo chí đã phanh phui dựa trên những văn bản do chính lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN ký, ông Trần Ngọc Thành và Tổng Giám đốc tổng công ty là ông Vũ Tá Tùng đã chỉ đạo xuyên suốt, sát sao việc thương lượng mua các toa tàu cũ của Cục Đường sắt Côn Minh, Trung Quốc. Ông Thành cũng là người trực tiếp phát ngôn với báo chí rằng lãnh đạo tổng công ty không có lỗi gì và còn nhấn mạnh rằng “tàu mới sử dụng một năm tôi cũng không mua chứ đừng nói tàu đã qua sử dụng 20 năm” (!). Nhưng chính ông Tùng là người ký các văn bản thể hiện rõ chủ trương mua những toa tàu cũ này, trong đó có công văn số 1.408 ngày 2-6-2015 và công văn số 3.955 ký nửa năm sau đó.
Thế nhưng trong cuộc họp khẩn cấp Hội đồng thành viên ngày 3-2-2016 sau chỉ đạo xử lý của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, ông Tùng đã không dám nhận trách nhiệm mà lại cùng HĐTV đưa ra kết luận: “Tổng công ty ĐSVN không có bất cứ văn bản nào cho phép đầu tư cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhập khẩu toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng”. (Thông tin báo chí ngày 4-2-2016). Đó là một kết luận, có thể nói, không chỉ là dối trên, đổ hết tội cho cấp dưới mà còn định qua mặt cả công luận.
Liệu chất lượng của bộ máy quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sẽ ra sao với những quan chức mà tư cách, đạo đức có vấn đề như vậy? Một nhà nước hiện đại liệu có thể dung nạp trong bộ máy của mình những quan chức mà não trạng chẳng khác gì những ông quan thời phong kiến (tất nhiên không phải mọi ông quan thời phong kiến đều như vậy): coi làm quan là cơ hội để vinh thân phì gia, để nở mày nở mặt với thiên hạ hơn là làm công bộc của nhân dân. Một bộ máy quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp với những quan chức không dám nhận trách nhiệm cá nhân, tìm mọi cách chạy tội khi bị phát hiện, làm sao đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động, sự chính xác và hiệu quả trong mỗi quyết sách quản lý hay kinh doanh?
Để đội ngũ quan chức có đúng những phẩm chất phục vụ người dân như chúng ta mong muốn, cần bắt đầu từ cách thức tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, đánh giá, đề bạt, giám sát đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp nhà nước. Và bao lâu những yếu kém trong quy trình đó chưa được khắc phục, thật khó mà nói về sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp với hoạt động của bộ máy nhà nước; thật khó mà yên tâm về sự trong sạch, không thể mua chuộc của đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước.