Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Một quy định vi hiến

Chiến Thắng

(TBKTSG Online) - Dự thảo Thông tư về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, do Bộ Công an soạn thảo, có các điều khoản không những “ưu tiên” cho “cán bộ cao cấp” mà còn “ưu tiên” cả phương tiện chuyên chở họ. Điều này là vi hiến.

Trả lời trên báo chí (1) về những thắc mắc của dư luận đối với những điều khoản “ưu tiên cán bộ cao cấp” khi xảy ra tai nạn giao thông , Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho rằng cán bộ cấp cao phải được đảm bảo yêu cầu công vụ trong mọi trường hợp.

Ông giải thích, do yêu cầu công vụ nên những cán bộ cấp cao thuộc diện phải được cảnh vệ. Cán bộ cấp cao thường có lái xe riêng. Chính vì thế khi xảy ra tai nạn thì phải yêu cầu lái xe ký vào biên bản và giấy hẹn tới trụ sở cơ quan công an để tiếp tục giải quyết về sau này.

“Ngay thời điểm xảy ra vụ việc thì lái xe của cán bộ cấp cao vẫn phải ghi nhận, ký vào biên bản, sau đó mới đi. Đến hẹn thì người lái xe đó phải quay trở lại trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc. Ngay tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn thì lực lượng CSGT cũng phải khám nghiệm hiện trường, ghi nhận dấu vết bình thường cơ mà”, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói.

Những quy định trong dự thảo Thông tư, và cả giải thích của Thiếu tướng Trần Thế Quân khó được người dân chấp nhận.

Thứ nhất, theo Hiến pháp, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, dù là cán bộ, hay dân thường đều phải được đối xử như nhau.

Thông thường, khi cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đi làm công vụ, họ có lái xe riêng. Nếu chiếc xe đó gây tai nạn giao thông, thì không ai ngăn cản cán bộ cao cấp tiếp tục đi làm công vụ, bởi người đó không trực tiếp gây ra tai nạn. Chủ thể liên quan đến vụ tai nạn là lái xe và phương tiện là chiếc xe đương nhiên phải ở lại hiện trường để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Không có lý do gì mà lái xe và chiếc xe gây tai nạn trong trường hợp này lại được xử lý "ưu tiên" so với xe của người dân thường, chỉ vì chở "cán bộ cao cấp". Người cán bộ không hề liên quan gì trong trường hợp này cả. Việc họ rời hiện trường để đến địa điểm cần thiết có thể được thực hiện bằng nhiều cách, không nhất thiết phải tiếp tục đi trên chiếc xe đã gây tai nạn.

Ngay trong dự thảo thông tư, tại Điều 9, có quy định, các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông phải được tiến hành khám nghiệm tại hiện trường hoặc nơi tạm giữ phương tiện ngay sau khi khám nghiệm hiện trường.

Làm sao có thể đảm bảo “công khai minh bạch, công bằng” nếu chiếc xe chở cán bộ gây tai nạn và người lái xe gây tai nạn được phép rời hiện trường ngay lập tức và sau đó mới quay trở lại?.

Làm sao đảm bảo an toàn cho những người ngồi trên xe và những người tham gia giao thông khi chiếc xe vừa gây tai nạn, nguyên nhân chưa được kết luận, xe chưa khám nghiệm xem có đảm bảo an toàn không, lại tiếp tục lưu thông trên đường?

Còn trong trường hợp cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước trực tiếp lái xe thì liệu người đó có phải đang thực thi công vụ hay không? Kể cả trong trường hợp đang thực thi công vụ thì người cán bộ đó vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy trình xử lý tai nạn như một người lái xe bình thường.

Không có công vụ nào quan trọng hơn sức khỏe và tính mạng của người dân. Không có công vụ nào được thực thi trên cơ sở vượt qua hiến pháp và pháp luật.

Những quy định như trên vừa vi hiến vừa không cần thiết và cần được loại bỏ trước khi ban hành.
***

Điều 22, Chương III của dự thảo Thông tư hướng dẫn: Trường hợp vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước xảy ra, thì giải quyết như sau:

-  Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.

-  Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó. Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.
***

(1) Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/tai-sao-csgt-phai-uu-tien-xe-cua-can-bo-cap-cao-khi-co-tai-nan-giao-thong-20160304234140493.htm#first