Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Thành lập ngay đoàn thanh tra để giải quyết triệt để vụ xây resort không phép giữa vườn quốc gia Ba Vì

NHÓM PV THỜI SỰ

LĐO - Hôm qua, 4.3, Quyền Chánh Văn phòng Bộ NNPTNT Trần Quốc Tuấn đã chính thức ký thông báo truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát xung quanh việc tôn tạo, xây dựng khu resort 4 sao tại Vườn Quốc gia Ba Vì mà báo Lao Động đã phản ánh những ngày qua.

Cản trở công tác thanh tra sẽ bị đình chỉ công tác

Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Thanh tra Bộ thành lập ngay đoàn thanh tra cụ thể việc xây dựng, tôn tạo các công trình tại khu vực độ cao cốt 600m và toàn bộ các hợp đồng liên kết để tổ chức du lịch sinh thái trên địa bàn Vườn Quốc gia Ba Vì; kết luận đúng-sai và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Bộ trưởng để giải quyết triệt để theo pháp luật.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo: Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp quyết định việc tạm đình chỉ công tác điều hành của Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì và các cán bộ liên quan nếu phát hiện ra tham nhũng hoặc cản trở công tác thanh tra.

Làm trước, trình sau

Điều đáng nói là trong thông báo này lại không ghi thời hạn phải báo cáo kết quả thanh tra. Tuy nhiên trên cơ sở phân tích các văn bản, sai phạm của các bên xung quanh resort xây không phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì đã khá rõ ràng.

Các văn bản quan trọng (theo thứ tự thời gian) bao gồm:

1. Ngày 10.6.2008: Vườn Quốc gia Ba Vì có tờ trình số 55 gửi Bộ NNPTNT về việc xin chủ trương hợp đồng liên kết khoán quản, du lịch sinh thái.

2. Ngày 1.7.2008: Bộ NNPTNT có văn bản số 1847 đồng ý chủ trương trên, giao Vườn Quốc gia Ba Vì hoàn thành đề án liên kết.

3. Ngày 22.8.2008: Vườn Quốc gia Ba Vì và Cty CFTD ký hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch 
sinh thái.

4 . Ngày 1.6.2012: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 24 về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020.

5. Ngày 6.6.2014: Bộ NNPTNT có Quyết định số 1254 phê duyệt Quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I - Vườn Quốc gia Ba Vì.

6. Ngày 30.6.2015: CFTD có tờ trình số 118 gửi Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) xin thẩm định và phê duyệt Đề án xây dựng khu dịch vụ du lịch sinh thái trong phân khu hành chính dịch vụ I.

7. Ngày 25.6.2015: Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 1641 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

8. Ngày 18.8.2015: Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hà Nội (Bộ Công an) có công văn số 101 góp ý về giải pháp PCCC đối với hồ sơ thiết kế dự án.

9. Ngày 13.1.2016: Văn phòng Chính phủ có công văn số 344/VPCP-KTN gửi Bộ NNPTNT và CFTD thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ NNPTNT hướng dẫn CFTD thực hiện theo quy định.

Từ mốc thời gian của những văn bản trên, có thể thấy:

- Khi chưa có đề án về liên kết khoán quản, du lịch sinh thái, Vườn Quốc gia Ba Vì đã ký hợp đồng liên kết với CFTD để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.

- Hợp đồng liên kết cũng được ký kết trước khi có quyết định của Thủ tướng về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, và đặc biệt là trước khi có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của Bộ NNPTNT.

- 7 năm sau khi ký hợp đồng liên kết, CFTD mới có tờ trình xin thẩm định và phê duyệt đề án xây dựng khu dịch vụ du lịch sinh thái.

- Khi trình, đề án trên chưa được đánh giá tác động môi trường.

- Theo khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng thì đề án trên nếu được Bộ NNPTNT phê duyệt sẽ thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đề án chưa được thẩm định và phê duyệt, song đã thi công và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

- Không có một văn bản đánh giá hoặc cho phép nào của Ban Chỉ huy quân sự địa phương, trong khi Vườn Quốc gia Ba Vì nằm trong vị trí quốc phòng đặc biệt quan trọng.

“Mới hoàn thiện được 70% thủ tục”

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Hà Nội) - khẳng định: “Dự án này mới đi được khoảng 70% chặng đường hoàn tất thủ tục”. Luật sư Diện cho biết: “Cho đến ngày 30.6.2015, theo tờ trình được gửi bởi CFTD, thì nơi nhận mới là Tổng cục Lâm nghiệp.

Theo đúng trình tự, cứ cho là dự án này không vấn đề gì, thì lúc đó Tổng cục Lâm nghiệp mới trình lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Sau đó Bộ trưởng cũng chưa thể duyệt ngay mà lại tiếp tục giao cho các cơ quan chuyên môn khác ngoài Tổng cục Lâm nghiệp cùng tham mưu ý kiến bằng văn bản. Sau khi tất cả mọi thứ đều qua được phần thẩm định, thì mới là lúc Bộ trưởng xem xét ra quyết định phê duyệt. Quá trình này thường mất khá nhiều thời gian” - vị 
luật sư nói.

Dựa trên các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng… thì khu resort trên muốn được phê duyệt cũng cần hoàn thiện thêm nhiều thủ tục khác như: Báo cáo giám sát đầu tư, chứng nhận phòng cháy chữa cháy, báo cáo khảo sát địa chất, hồ sơ năng lực… Ngoài ra, để chính thức được hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng, Spa thì chủ đầu tư còn phải đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm, an ninh trật tự... - luật sư Vi Văn Diện cho biết.

Trách nhiệm chính thuộc về BQL vườn

Luật sư Vi Văn Diện cho rằng, chủ đầu tư của dự án này không chỉ là Cty CFTD mà còn là BQL VQG Ba Vì. Do vậy, để xảy ra sai phạm trong hoạt động xây dựng và đầu tư tại dự án, trách nhiệm thuộc về cả hai đơn vị nói trên. “Theo hợp đồng liên kết kinh doanh thì BQL vườn là đơn vị có đất, còn CFTD là bên có tiền, cùng hợp tác xây dựng dự án Le Mont Bavi Resort & Spa. Tại điều 5 và 6 của hợp đồng này cũng thể hiện có sự ăn chia về tài chính sau khi dự án đi vào hoạt động. Ngoài ra, tại Quyết định số 2455 của Bộ NNPTNT thì VQG Ba Vì được xác định là chủ đầu tư của toàn bộ Phân khu hành chính dịch vụ I. Chủ đầu tư đương nhiên phải chịu trách nhiệm trong các sai phạm” - vị luật sư khẳng định.

Tuy nhiên, do cùng sắm 2 vai, vừa là chủ rừng giữ vai trò quản lý nhà nước, đồng thời lại là chủ đầu tư liên kết ăn chia, nên để xảy ra sai phạm động trời này, tội vạ của BQL là rất nghiêm trọng. Đi sâu vào phân tích kỹ hơn về tính chất pháp lý của các văn bản, vị luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội cũng phát hiện nhiều dấu hiệu của việc cố ý làm trái các quy định của pháp luật đối với dự án này.

Theo trình tự thông thường, một dự án phải được phê duyệt thì chủ đầu tư mới bắt đầu tiến hành các hoạt động đầu tư liên quan như thuê đất, bàn giao đất, san lấp mặt bằng, xây dựng… nhưng trong dự án này, trình tự trên đã bị làm ngược, việc bàn giao đất đã được triển khai ngay sau khi có hợp đồng liên kết, bất biết dự án này có được phê duyệt hay không. Hay nói cách khác, bản liên kết trong trường hợp này đã bị các bên cố ý hiểu thành quyết định phê duyệt. “BQL vườn cho biết đã nhận đủ 8 tỉ đồng từ Công ty CFTD. Ứng theo điểm 1, khoản 2, điều 6 của bản Hợp đồng liên kết thì rõ ràng đơn vị này đã cắm mốc và bàn giao trên thực địa cho đối tác để họ tiến hành xây dựng. Như vậy BQL đã cố ý bàn giao đất trước cả khi dự án được phê duyệt. Nếu đặt ra giả thiết dự án không được phê duyệt thì trách nhiệm của BQL vườn nằm ở đâu khi gây thiệt hại cho đối tác đầu tư, trong khi chính BQL lại là đơn vị quản lý nhà nước?”.

Cùng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa) nhấn mạnh: “Theo cá nhân tôi, trong trường hợp này Cty CFTD vừa là thủ phạm lại vừa là bị hại. Nếu dự án không được phê duyệt, Cty này còn có thể khởi kiện BQL Vườn Quốc gia Ba Vì vì đã không đảm bảo tính pháp lý của mục tiêu dự án dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài chính trong hoạt động đầu tư, thậm chí lại còn bị xử phạt do vi phạm các quy định của pháp luật”.