Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Vụ mua 164 toa tàu cũ của TQ: Sếp 'né', lính 'chết oan'

T.M

(PetroTimes) - Kế hoạch mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc được “khởi động” từ năm 2014 và trong tờ trình của Ban Kế hoạch Kinh doanh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có bút phê của lãnh đạo với nội dung “nhất trí thực hiện nhanh... đề nghị tổ chức triển khai”.

Bằng chứng tại được thể hiện trong Văn bản số 399 ngày 15/10/2014 của Ban Kế hoạch Kinh doanh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gửi ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng.

Nội dung văn bản này thể hiện báo cáo của Ban Kế hoạch Kinh doanh về việc mua toa xe đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Tổng Công ty ngày 3/9/2014 tại bút phê văn bản số 229/ĐS-QTCN ngày 29/8/2014.

Chủ trương đầu tư được đề xuất theo 2 phương án: Phương án 1 - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư, khi đó các Ban của Tổng Công ty sẽ tham mưu lập dự án đầu tư và thực hiện đầu tư. Phương án 2 - Công ty khách Hà Nội (tức Công ty TNHH Một thành viên vận tải đường sắt Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Ban Kế hoạch Kinh doanh cũng đề xuất, do các toa xe này chỉ đủ khả năng khai thác từ Vinh ra Bắc và từ năm 2015 các công ty vận tải sẽ trở thành đơn vị hạch toán độc lập nên giao cho Công ty khách Hà Nội làm chủ đầu tư.

Nguồn vốn của dự án là vốn khấu hao tài sản cố định khối vận tải và vốn vay ngân hàng, hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư.

Đáng chú ý trong văn bản số 399 là có bút phê của cấp lãnh đạo cao nhất Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Cụ thể, tại đầu văn bản bút phê kính gửi ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên. Tiếp đó tại lề trái của văn bản ghi rõ: “Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai”.

Thời điểm văn bản 399 được lập (15/10/2014) và bút phê của lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam một ngày sau đó 16/10/2014.

Trong một diễn biến khác, ngày 8/5/2014, Phó Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam Ngô Cao Vân cũng có Văn bản số 148/TB-ĐS với nội dung thông báo giao nhiệm vụ chuẩn bị cho chuyến công tác của Chủ tịch Hội đồng thành viên thăm và làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc từ ngày 25 đến 27/5/2014.

Văn bản nêu rõ 2 nội dung làm việc gồm: Thăm và làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc về hợp tác giữa 2 bên, tìm hiểu hoạt động của Cục Đường sắt Côn Minh sau tái cơ cấu đường sắt Trung Quốc. Khảo sát thực tế và thảo luận việc mua toa xe hàng khổ đường 1000mm đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh.

Đáng chú ý, việc chào bán toa xe đã qua sử dụng được Cục Đường sắt Côn Minh đưa ra từ năm 2013. Thời điểm đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có những cuộc họp, kết luận về vấn đề này. Đồng thời yêu cầu các công ty con báo cáo về nhu cầu số lượng, chủng loại toa xe cần thiết.

Như vậy có thể thấy chủ trương mua toa tàu cũ đã qua sử dụng từ Trung Quốc xuất phát từ chính Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tuy nhiên người chịu trách nhiệm chính và bị miễn nhiệm lại là cấp dưới. Mà cụ thể ở đây là ông Nguyễn Viết Hiệp đã bị nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam buộc thôi làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và cắt chức Tổng Giám đốc.

Đặc biệt, sau khi sự việc bị phanh phui, trả lời báo chí ông Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành đã khẳng định: “Tôi là người quyết định cao nhất của Tổng Công ty và phải có ý kiến của tôi thì mới được mua tàu, nhưng tôi hoàn toàn chưa được báo cáo về việc mua tàu của Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội”.

Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Thành cũng khẳng định, tàu sử dụng 1 năm cũng không đồng ý cho mua chứ đừng nói là đã qua sử dụng 20 năm.

Nói như lời ông Trần Ngọc Thành thì văn bản số 399 của Ban Kế hoạch Kinh doanh và văn bản số 148 ông không hề được trình. Vậy ai mới là người được trình các văn bản trên, bút phê trong văn bản là của ai…? Chẳng nhẽ chính ông Nguyễn Viết Hiệp tự bút phê vào hay sao?

Dư luận rất băn khoăn, trong vụ mua tàu cũ của Trung Quốc chẳng nhẽ không có chút vai trò nào của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam? Và liệu có trách nhiệm của lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong vụ việc này hay không?

Thiết nghĩ, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan nên vào cuộc làm rõ "trắng - đen". Đừng để màn kịch “quýt làm cam chịu” diễn ra ở ngành đường sắt!