Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Tháp truyền hình cao nhất thế giới: VTV ''vẽ'' dự án?

Lam Lam

Đất Việt - Dự án xây dựng mà không vì mục đích của ngành, không vì mục đích phát triển mà chỉ nhằm mục đích phô trương thì không cần phải làm.

Tháp tại Hà Nội, TP.HCM thì sao? 

PGS.TS Phạm Ngọc Đăng – Chủ tịch Hội môi trường Xây dựng Việt Nam cũng kịch liệt phản đối việc xây dựng dự án tháp truyền hình cao 636m của VTV, tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 900 triệu USD.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, 900 USD là con số riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án này khái toán lên tới 1,3 – 1,5 tỷ USD.

PGS.TS Phạm Ngọc Đăng cho biết, có hàng loạt vấn đề cần phải được đặt ra với dự án này. Trong đó, câu hỏi lớn nhất ông quan tâm là dự án này làm vì ai?

Theo vị chuyên gia phân tích, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc Chính phủ chỉ đạo tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng không tính bằng những cuộc chạy đua “cái nhất” như “to nhất”hay "cao nhất”.

"Thời đại công nghệ hiện nay thế giới cũng không nước nào say mê với tháp truyền hình cao nữa. Đó là tư duy cũ rồi. Khi Nhật Bản xây dựng tháp Tokyo là đang ở đỉnh cao của sự phát triển về kinh tế và xã hội. Nhật xây tháp còn vì mục đích chính là để đáp ứng yêu cầu của ngành truyền hình lúc bấy giờ.

Hiện nay, truyền hình thế giới đã và đang chuyển sang cáp, tín hiệu vệ tinh, xây tháp truyền hình cao thành lỗi thời", vị chuyên gia nhắc nhở.

Ông nhấn mạnh rằng, Nhật xây dựng tháp truyền hình là vì nhu cầu của ngành truyền hình lúc bấy giờ, chứ không phải xây tháp truyền hình vì mục đích kinh doanh dịch vụ hay kinh doanh BĐS. Việc kết hợp thành công giữa mục đích truyền hình với mục đích kinh doanh là điều rất hoàn hảo mà không phải nước nào cũng có thể làm được.

Vì thế, PGS.TS Phạm Ngọc Đăng lo ngại, trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay, dù có xây lên một cái tháp chọc trời cũng khó thay đổi được diện mạo của nền kinh tế. Một cái tháp cũng không giúp thay đổi được cái nhìn của thế giới với toàn xã hội Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam là nước có địa hình phức tạp, trải dài hình chữ S, lại đan xen giữa đồng bằng và miền núi. Vì thế, dù có xây dựng một tháp truyền hình cao đến mấy cũng chỉ giúp phủ sóng được một khu vực chứ không thể phủ sóng được toàn đất nước. Tháp truyền hình ở Hà Nội không thể kéo vào tận Sài Gòn được.

"Xây tháp ở Hà Nội rồi có phải xây thêm nhiều cái nữa ở Sài Gòn và các tỉnh thành khác hay không?", ông Đăng đặt câu hỏi.

Rồi vị chuyên gia tự kết luận: "Như vậy, xây dựng tháp truyền hình mà không vì phục vụ ngành truyền hình, rõ ràng VTV xây tháp chỉ để đạt được mục đích duy nhất là phô trương thì quá lãng phí. Còn nếu giải thích xây tháp để kinh doanh, kiếm lời các không thể thuyết phục được các nhà đầu tư và những chuyên gia kinh tế".

Đổi chính sách lấy đất?

Từ những phân tích trên, vị PGS thẳng thẳn cho rằng, không một nhà đầu tư nào sẵn sàng đổ tiền đầu tư vào một dự án mà họ không nhìn thấy lợi nhuận. Nhưng tại sao VTV vẫn làm? Họ làm vì ai?

“Tôi cho rằng, mục đích của họ là hướng tới những chính sách ưu đãi của Việt Nam. Họ vẽ ra dự án với mục đích đẹp đẽ, tầm ảnh hưởng lớn lao với thông điệp xã hội hóa xong lại xin Chính phủ đổi cơ chế, chính sách, kể cả việc đổi đất lấy hạ tầng. Tóm lại, đó vẫn là tiền, là đất của nhà nước, của dân. Bỏ ra một thu về mười tội gì họ không làm”, PGS. TS Phạm Ngọc Đăng bức xúc.

Vị chuyên gia dẫn lại bằng chứng chứng minh cho lập luận của mình, theo đó ông cho biết việc thay đổi mục đích của dự án từ biểu tượng tiêu biểu của một quốc gia như tháp nổi Eiffel nổi tiếng của Pháp, hay tháp CN Tower của Cnada… lại biến thành mục đích kinh doanh BĐS là như vậy.

Dự án sẽ có hàng trăm căn hộ cao cấp cùng với khách sạn, nhà hàng, khu trung tâm thương mại mọc lên mà theo tính toán của vị chuyên gia có đổi lấy 1,5 tỷ USD hay bao nhiêu họ vẫn có lời.

Trước nguy cơ có thể xảy ra động đất do dự án đặt trên khu vực nền đất yếu, ông Đăng cho biết lo ngại này là có lý. Chưa nói chuyện chi phí sẽ đắt hơn rất nhiều.

Ông Đăng kiến nghị, một dự án xây dựng mà không vì mục đích của ngành, không vì mục đích phát triển mà chỉ nhằm mục đích phô trương thì không cần phải xây dựng trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay.

“Tiền đó, có lẽ nên đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, đầu tư các cơ sở hạ tầng giao thông sẽ tốt hơn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.