Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Người Thái bất ngờ kêu gọi ASEAN ngăn chặn Trung Quốc

Minh Long

Đất Việt - Người Thái cho rằng Trung quốc đang gây căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa tới tất cả các nước trong khu vực nên ASEAN cần ngăn chặn.

Lời kêu gọi bất ngờ

Tờ Bangkok Post của Thái Lan ngày 22/2 có bài viết “ASEAN cần ngăn chặn Trung Quốc”.

Bài báo cho rằng các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với tất cả các nước trong khu vực nên ASEAN cần đoàn kết để đối mặt một cách mạnh mẽ, khôn khéo trước sự bành trướng, hung hăng này.

Tờ Bangkok Post khẳng định Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường hiện diện ở Biển Đông với những hành động khiêu khích không cần thiết.

Ví dụ được nêu ra là việc Trung Quốc lắp đạt các hệ thống tên lửa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khi lãnh đạo các nước ASEAN tới California để dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ.

Trong khoảng một năm qua, Trung Quốc đã liên tiếp xây các đảo nhân tạo ở cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trên các đảo này, Trung Quốc xây dựng các công trình như đường băng, tòa nhà, các khu dân cư và cả các doanh trại.

Tờ báo Thái Lan dẫn lời giới chuyên gia đánh giá việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không và đất đối đất ở Hoàng Sa cho thấy ý định rõ ràng của Trung Quốc là nhằm đe dọa hoặc ngăn chặn tàu bè và máy bay đi ngang qua khu vực.

Bài báo đã có ý “mỉa mai” khi dẫn ra phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc giới truyền thông thổi phồng vấn đề. Bộ Ngoại giao Trung Quốc biện minh bằng cách nói rằng các tên lửa được triển khai “chỉ” có tầm bắn tới 200 km.

Báo Thái Lan dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố việc lắp đặt các hệ thống tên lửa mới ở Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đã không giữ lời hứa với cá nhân ông.

Trung Quốc cũng tiếp tục di chuyển giàn khoan dầu khổng lồ của họ quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích Việt Nam.

Tờ Bangkok Post cho rằng Biển Đông là mối lo ngại trực tiếp đối với tất cả các quốc gia trong khu vực và rõ ràng ASEAN cần phải đối mặt Trung Quốc với những lựa chọn mạnh mẽ và khôn khéo.

Trung Quốc có biết sợ?

Trong khi đó, bình luận về những hành động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong cho rằng Trung Quốc đang hủy hoại quan hệ với các nước có lợi ích trong khu vực, nhất là Việt Nam, Philippines và Mỹ.

Cho tới nay, Mỹ vẫn công khai không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông mà khẳng định mối quan tâm hàng đầu là đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Mỹ phản ứng trước các hoạt động xây trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách triển khai các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không song chưa cho thấy tác động thực sự khiến Bắc Kinh lo lắng và cân nhắc lại cách hành xử của mình.

Sự đoàn kết trong ASEAN đang là vấn đề nan giải khi một số nước chịu ảnh hưởng không nhỏ của Trung Quốc.

Ngoài việc chia rẽ các đối thủ, Bắc Kinh đã triển khai một chiến lược hiện diện linh hoạt bằng lực lượng tuần tra bờ biển Trung Quốc, chứ không phải Hải quân, với sự trợ giúp của các ngư dân.

Tờ báo Hong Kong cho rằng quân sự hóa Biển Đông không phải là mục tiêu cuối cùng, mà chỉ là một mắt xích trong chiến lược toàn diện của Bắc Kinh.

Trung Quốc tìm cách tạo dựng các cơ sở hạ tầng tại các khu vực cụ thể để có thể triển khai quân đội khi cần thiết. Việc xây dựng đảo nhân tạo rầm rộ là một biện pháp nhằm thay đổi cuộc chơi, trong khi việc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu hay tên lửa chống hạm cơ động mới chỉ bước đầu phản ánh các hoạt động quân sự mà nước này sẽ tiến hành với sự hậu thuẫn của những cơ sở hạ tầng mới được xây dựng.

Các bước đi của Trung Quốc như thực hiện chiến thuật “cắt lát salami”, đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền bằng các biện pháp phi bạo lực…được đánh giá là khôn khéo và rất khó đối phó. Trung Quốc muốn tạo ra sự đã rồi và đẩy trách nhiệm gây căng thẳng sang phía các đối thủ.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn có những điểm yếu rõ ràng, mà trước hết là về mặt pháp lý.

Theo tờ báo Hong Kong, Trung Quốc cần lo ngại về phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague về vụ kiện của Philippines.

Dù Trung Quốc có muốn hay không, phán quyết vẫn sẽ được đưa ra vào khoảng tháng 5 tới. Phán quyết của PCA sẽ không có tác động đáng kể tới hiện trạng, song phản ứng của Bắc Kinh có thể sẽ làm thay đổi mọi chuyện.

Bên cạnh đó, những hành động ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc cũng sẽ khiến các nước trong khu vực cùng với Mỹ hay Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn.

Không từ bỏ dã tâm

Theo nhận định của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Trung Quốc dường như đang lựa chọn hy sinh hình ảnh tích cực để đổi lấy những mối lợi thực dụng.

Việc phát hiện ra tàu Trung Quốc ở ngoài khơi khu vực Borneo thuộc Malaysia mới đây báo hiệu rằng Bắc Kinh có thể áp dụng chiến thuật "cắt lát salami" cho các tuyên bố chủ quyền mới tại khu vực này.

Ngoài ra, những bước đi gần đây cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục đánh vào “mắt xích yếu nhất” trong ASEAN.

Hôm 22/2, 3 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville, cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia khoảng 250 km về phía Nam, để tham gia các cuộc diễn tập chung lần đầu tiên với hải quân Campuchia tại vịnh Thái Lan trong tuần này.

Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết 3 tàu chiến Trung Quốc tới để tham gia các hoạt động huấn luyện chung trên biển và diễn tập cứu hộ khẩn cấp trên đất liền.

Hải quân Hoàng gia Campuchia thì thông báo theo lịch trình, các tàu chiến của Trung Quốc - trong đó có 2 chiếc tàu khu trục trang bị tên lửa và một tàu hộ tống - sẽ chủ trì các cuộc diễn tập quân sự chung vào ngày 24-25/2 trước khi rời khỏi đây vào ngày 26/2.

Các binh sĩ hải quân Trung Quốc sẽ hướng dẫn các binh sĩ hải quân Campuchia về công tác cứu hộ trên biển, kỹ thuật kiểm soát một tàu chiến và cách đọc các bản đồ...

Các tàu chiến của Trung Quốc cập cảng Sihanoukville ngay sau khi 3 tàu chiến khác của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản rời khỏi đây.

Song song với nỗ lực duy trì sự “chi phối” về kinh tế, Bắc Kinh cũng thúc đẩy hợp tác quân sự với Phnom Penh.

Trung Quốc đã viện trợ máy bay trực thăng, tên lửa vác vai, xe vận tải quân sự cho quân đội Campuchia, đồng thời giúp huấn luyện các học viên quân sự của nước này.